Đồng chí Dương Đình Thảo - người lãnh đạo mẫu mực, người anh lớn của ngành tư tưởng văn hóa TPHCM

Đồng chí Dương Đình Thảo - người lãnh đạo mẫu mực, người anh lớn của ngành tư tưởng văn hóa TPHCM

Được biết anh tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng giảm, việc anh về với ông bà tổ tiên là lẽ thường của quy luật sinh tử của con người. Song, khi được tin anh ra đi mãi mãi, tôi cũng như mọi người trong ngành tư tưởng văn hóa TPHCM vô cùng thương tiếc anh - đồng chí Dương Đình Thảo, một chiến sĩ kiên trung, tư duy sắc sảo, nhạy bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, của TP, người thủ trưởng, người anh, người chú quý mến, thân thiết của anh em Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Tham gia cách mạng từ thời Thanh niên Tiền phong những ngày Tháng Tám lịch sử 1945, chịu ảnh hưởng của những trí thức mà anh coi là “thần tượng” thuở ban đầu như nhà văn Trường Sơn Chí - Ung Ngọc Ky, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, những người vừa là đồng chí vừa chịu ảnh hưởng tư tưởng của Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu, đồng chí Dương Đình Thảo - anh Sáu Thảo thân thương đã trải qua nhiều cương vị, nhiều môi trường trong công tác và cuối cùng gắn bó với ngành văn hóa, ngành tuyên giáo của Đảng. Vừa làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin vừa kiêm Phó Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ Thành ủy, giám đốc Đài Truyền hình TPHCM; vừa giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên huấn vừa kiêm Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng của Thành ủy TPHCM. Đây là thời kỳ mà tất cả các binh chủng công tác tư tưởng văn hóa phải tập trung quán triệt và tích cực tuyên truyền, quảng bá cho việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, các hình thức sản xuất kinh doanh mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuyên truyền các chính sách xã hội, thấm thấu triết lý “dân là gốc” mà một thời dường như bị lãng quên; đồng thời tăng cường đề cao cảnh giác cách mạng, chống lại âm mưu phá hoại nhiều mặt, âm mưu “diễn biến hòa bình” của địch, bảo đảm ổn định tư tưởng trong Đảng và nhân dân trước tình hình khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Lúc này trong Đảng, trong xã hội diễn ra nhiều luồng tư tưởng phức tạp.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm hỏi đồng chí Dương Đình Thảo vào ngày 17-6-2015, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Cao Thăng

Trong điều kiện, bối cảnh đó, người đứng đầu ngành tư tưởng văn hóa phải sáng suốt, nhanh nhạy và có đủ bản lĩnh, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững nền tảng tư tưởng, đường lối chủ trương của Đảng để bảo đảm công tác tư tưởng phải đưa lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên, cho toàn thể nhân dân. Ngày ấy, dường như ai cũng ủng hộ đổi mới do nhu cầu bức thiết của xã hội, của đất nước, đòi hỏi của cuộc sống mỗi gia đình, mỗi con người. “Đổi mới hay là chết”. Nhưng vào thuở ban đầu đổi mới đã xuất hiện nhiều luồng tư tưởng khác nhau, người thì mong muốn đổi mới toàn diện, nhanh chóng, từ bỏ mọi chủ trương và hậu quả của một thời quan liêu bao cấp gây ra sự khủng hoảng toàn diện kinh tế - xã hội, sự đói khổ của nhân dân; có người lại cho rằng đổi mới theo cơ chế thị trường là từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã tốn bao công sức dựng xây. Do vậy, công tác tư tưởng của Đảng cần phải sáng suốt, nắm vững nguyên tắc, đường lối, đồng thời bám sát thực tiễn, phát hiện cái mới, ủng hộ cái mới, tuyên truyền cho cái mới, tạo ra phong trào học tập cái mới, làm cho cái mới trở thành xu hướng chủ đạo của phát triển. Đổi mới là để tiến lên, làm cho chủ nghĩa xã hội hiện thực hơn, cho đời sống nhân dân ngày được cải thiện, kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh hơn, chứ không phải bỏ con đường đã chọn. Đổi mới phải có nguyên tắc, bảo đảm bước đi thích hợp, có hiệu quả cụ thể, rõ ràng, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, của nhân dân làm mục tiêu tối thượng của đổi mới. Không phiêu lưu, mắc phải sai lầm như những người chủ trương “cải tổ” ở nơi thành trì của chủ nghĩa xã hội, đã đưa đến sự tan rã một cường quốc vĩ đại, gây bàng hoàng cho nhân loại. Đồng chí Dương Đình Thảo, lúc bấy giờ là “tư lệnh” của ngành tư tưởng của Thành ủy TPHCM, đã làm tròn nhiệm vụ định hướng, tuyên truyền, quảng bá, củng cố tư tưởng theo đúng đường lối đổi mới, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị, tạo môi trường cho sự phát triển của TP.

Là người trải qua nhiều môi trường công tác, am hiểu văn hóa, hiểu con người nói chung, con người Sài Gòn - TPHCM nói riêng, anh Sáu Thảo luôn chỉ đạo công tác tư tưởng không được áp đặt, giáo điều; phải có tính thuyết phục, gắn lý luận với đạo đức, tình cảm; không nói suông, không nói những điều không tin, không hiểu, nói phải đi đôi với làm, sát với thực tiễn. Do vậy theo anh, làm công tác tư tưởng phải có lý luận, có đạo đức, có tình cảm cách mạng. Công tác tư tưởng là công tác con người, con người nhân văn.

Am hiểu lịch sử, xã hội và con người Nam bộ, anh Sáu Thảo luôn có phong cách, thái độ ứng xử trung thực, bộc trực, thẳng thắn và thân tình, chân thành từ ruột gan, không ba phải. Tôi đã chứng kiến những lần anh Sáu Thảo thể hiện tính bộc trực, thẳng thắn của mình. Trong một cuộc họp chuẩn bị kỷ niệm ngày mất của nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh, nhiều bậc lão thành cách mạng xúc động nhắc lại công lao của Nguyễn An Ninh, có một cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng lưu ý “chớ có tô hồng Nguyễn An Ninh”, lập tức anh Sáu Thảo nổi nóng, to tiếng “cũng chớ có bôi đen!”. Đồng chí Dương Đình Thảo là người tích cực ủng hộ, truyền bá về đổi mới, nhưng sau đó xuất hiện nhiều ý kiến cực đoan, nóng vội, phi thực tiễn, đồng chí Sáu Thảo đã giải thích lại “Đổi mới phải có nguyên tắc, đổi mới để tiến lên” theo tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Những người có ý kiến cực đoan nói anh Sáu là “ba phải” trước sau bất nhất, anh Sáu đã thẳng thừng phê phán họ, thậm chí buông ra những tiếng đệm hồn nhiên của người Nam bộ. Tham gia Ban Biên soạn Lịch sử Đảng bộ TPHCM thời kỳ 1930-1975, đồng chí Dương Đình Thảo dù tuổi đã cao vẫn hết sức cần mẫn, tận tụy, chịu khó sưu tầm tư liệu hết sức công phu và đồng chí rất thẳng thắn, có chính kiến rõ ràng về những sự kiện lịch sử còn có nhiều ý kiến khác nhau và kiên trì bảo vệ những điều theo đồng chí là sự thật lịch sử khách quan. Chân thành, cởi mở nên đội ngũ văn nghệ sĩ TP rất gần gũi anh, coi anh là nơi nương tựa, được anh cổ vũ tinh thần, tạo điều kiện để cống hiến nghệ thuật cho TP và họ rất tin anh, gởi gắm đến anh nhiều khát vọng và sáng tạo thông tin cho anh nhiều điều quan trọng để anh điều hành, lãnh đạo sát thực tiễn, có hiệu quả cao.

Anh Sáu Thảo là một trong ít người lãnh đạo xưng hô “mày - tao” với tôi, gọi tôi bằng “thằng” một cách chân tình. Anh kể cho tôi nghe việc tổ chức hỏi anh về việc bổ nhiệm tôi làm Trưởng ban, anh nói: “Tao thấy thằng nào cũng được, mày có ưu thế này, thằng kia có ưu thế khác. Thường vụ Thành ủy đưa thằng nào thì tao ủng hộ thằng đó”. Trước khi quyết định bổ nhiệm tôi, lãnh đạo TP hỏi lại anh Sáu bổ nhiệm tôi được không, anh Sáu trả lời: “được!” Anh kể cho tôi nghe một cách hồn nhiên, chân thành, không nói theo kiểu đưa đẩy, lấy lòng vốn rất phổ biến hiện nay. Thời chiến tranh cũng như sau ngày miền Nam mới được giải phóng, đi cơ sở xây dựng phong trào, tôi nhận thấy, nơi nào dân gọi cán bộ bằng “thằng hai, thằng tư” thì phong trào tốt, tình quân dân ấm áp, gần gũi, cán bộ luôn được nhân dân đùm bọc, chở che. Nơi nào dân gọi cán bộ bằng “ông” này, “ông” nọ thì còn có sự cách biệt đáng kể giữa dân và tổ chức, cán bộ, nên phong trào gặp khó khăn. Tôi hết sức cảm động, xin cảm ơn anh Sáu đã tin tưởng, dành cho tôi một tình cảm thân tình, coi tôi là một “thằng em” gần gũi. Sau này, mỗi dịp anh Sáu đến Ban Tuyên giáo là thường ngồi trà lá, tâm sự cùng anh em chúng tôi với tình cảm thân thiết, những khuyên nhủ chân thành, những gợi mở sắc sảo.

Xin vĩnh biệt đồng chí Dương Đình Thảo, một chiến sĩ xuất sắc, trung kiên trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, người lãnh đạo mẫu mực, người anh lớn.

PHAN XUÂN BIÊN

Tin cùng chuyên mục