Liên quan tới sản phẩm sữa YiLi, Trung Quốc được nhập vào Việt Nam: Lãnh đạo Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm không nhớ!

Nạn nhân đầu tiên của sữa YiLi ở Hồng Công

Trước thông tin sản phẩm sữa YiLi (Y Lợi), loại sữa tươi tiệt trùng, hộp 1 lít nằm trong danh mục phải thu hồi tại Trung Quốc xuất hiện trên thị trường TPHCM và đã được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế Việt Nam cấp phép Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, chiều 21-9, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Thủy Tiến, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, người phụ trách việc cấp giấy phép chất lượng các sản phẩm sữa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam cho biết: Không hề biết thông tin này và sẽ tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ các loại sữa ngoại đã được cấp Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và cho phép lưu hành tại Việt Nam. Ông Tiến cũng cho biết đã ký nhiều hồ sơ xin cấp giấy phép Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm sữa nhập khẩu nên không thể nhớ nổi có loại sữa này không (!?).

Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghe thông tin này và hứa sẽ tiến hành kiểm tra lại bộ phận chức năng tiếp nhận và duyệt hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm sữa nhập khẩu ngay trong tuần này. Ông Long cũng cho biết, nếu kiểm tra thấy sản phẩm sữa YiLi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thì vẫn cho phép lưu hành. Hơn nữa cũng có thể, lô sữa YiLi vào thời điểm được nhập Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn chất lượng và không có quyết định thu hồi từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc nên đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại trong tuần qua, Cục ATVSTP đã khẳng định với báo chí, trong hơn 370 sản phẩm sữa ngoại được Cục ATVSTP cấp giấy chứng nhận chất lượng và lưu hành tại Việt Nam đến thời điểm này không có sản phẩm sữa nào được nhập khẩu hay có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hơn nữa, Cục ATVSTP chưa hề nhận được cảnh báo nào về các loại sữa nhập khẩu vào Việt Nam có hàm lượng hóa chất gây hại vượt mức cho phép.

Được biết, sản phẩm sữa YiLi do Công ty Inner Mongolia YiLi Industrial Group Co, Ltd, Trung Quốc sản xuất và nhà nhập khẩu sản phẩm sữa này vào Việt Nam là Công ty TNHH Kim Ấn, có địa chỉ ở đường Lê Văn Sỹ, P10, Q.Phú Nhuận, TPHCM. Sản phẩm sữa YiLi thuộc một trong ba tập đoàn sản xuất sữa lớn của Trung Quốc vừa bị phát hiện có chứa hàm lượng melamine vượt quá quy định trong sản phẩm. Trong khi đó, Công ty Kim Ấn đã nhập gần 18 tấn sữa loại này qua Cục Hải quan TPHCM vào tháng 8-2008. Toàn bộ hồ sơ giấy tờ nhập khẩu lô hàng hợp lệ, sản phẩm này có Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế do Phó cục trưởng Hoàng Thủy Tiến ký ngày 27-3-2008. Ngoài ra, ngày 5-9-2008, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng cấp giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu.

Trung Kiên

Nạn nhân đầu tiên của sữa YiLi ở Hồng Công

Ngày 21-9, nhà chức trách Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) thông báo một bé gái 3 tuổi đã bị sỏi thận sau khi uống sữa bột có nguồn gốc từ đại lục. Đây là trường hợp phát hiện trẻ mắc bệnh do sữa nhiễm hóa chất độc hại melamine đầu tiên bên ngoài Trung Hoa đại lục kể từ khi vụ việc này bị phanh phui. Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hồng Công cho biết mặc dù không có triệu chứng phát bệnh, nhưng bé gái trên đã được bố mẹ đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe do em đã uống sữa bột của Hãng YiLi (Y Lợi) trong suốt 15 tháng qua. Các bác sĩ đã phát hiện có một viên sỏi bên thận trái của bé gái này và chuyển em đến bệnh viện để chăm sóc. Trước đó, Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hồng Công cũng đã yêu cầu thu hồi toàn bộ sản phẩm sữa bột của tập đoàn bơ sữa khổng lồ Yili do kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm của hãng này có chứa melamine. Cùng ngày, 2 chuỗi siêu thị lớn của Hồng Công là PARKnSHOP và Wellcome đã rút toàn bộ sản phẩm sữa bột của Tập đoàn Nestlé ở Trung Quốc. Động thái này diễn ra sau khi tờ “Apple Daily” khẳng định xét nghiệm cho thấy sữa bột Nestlé sản xuất tại tỉnh Hắc Long Giang (Đông Bắc Trung Quốc) nhiễm melamine.

Cũng liên quan sữa nhiễm chất hóa học độc hại, Chính phủ Brunei thông báo ngừng nhập khẩu và bán trên thị trường nước này tất cả các sản phẩm bơ sữa nhập từ Trung Quốc. Trước đó, hai nước Singapore và Malaysia đã ban hành các lệnh cấm tương tự. Sau Gabon và Tazania, Burundi ngày 21-9 đã trở thành nước châu Phi thứ 3 cấm nhập các sản phẩm bơ sữa từ Trung Quốc.

V.Kh. (Theo AP, AFP)

Tin cùng chuyên mục