Chống nhiễm khuẩn bệnh viện: Nơi chủ động, chỗ thờ ơ

Nhiễm khuẩn bệnh viện khiến mỗi năm có hơn 600.000 bệnh nhân bị nhiễm trùng vết mổ và đang có xu hướng tăng lên mỗi năm. Mới đây, một cuộc khảo sát cho thấy tình hình nhiễm khuẩn ở các phòng mổ, phòng hậu phẫu của các bệnh viện đã đến mức báo động.
Chống nhiễm khuẩn bệnh viện: Nơi chủ động, chỗ thờ ơ

Nhiễm khuẩn bệnh viện khiến mỗi năm có hơn 600.000 bệnh nhân bị nhiễm trùng vết mổ và đang có xu hướng tăng lên mỗi năm. Mới đây, một cuộc khảo sát cho thấy tình hình nhiễm khuẩn ở các phòng mổ, phòng hậu phẫu của các bệnh viện đã đến mức báo động.

  • Nhiễm khuẩn tràn lan

Tiến sĩ Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội phòng chống nhiễm khuẩn TPHCM, cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện tập trung cao ở khu vực hồi sức cấp cứu và ngoại khoa. Có 3 loại nhiễm khuẩn thường gặp là nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn tiêu hóa. Kết quả khảo sát vi sinh vật trong không khí tại 33 phòng mổ, phòng hồi sức ở 13 bệnh viện trên địa bàn TPHCM mới đây của Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn lên đến 78,8%.

Hệ thống cấp khí siêu sạch UCASS - X7G đầu tiên do Việt Nam chế tạo, lắp đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Hệ thống cấp khí siêu sạch UCASS - X7G đầu tiên do Việt Nam chế tạo, lắp đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Tuấn (Viện Vệ sinh y tế công cộng), kết quả khảo sát này được thực hiện ở các bệnh viện: Chợ Rẫy, Thống Nhất, Từ Dũ, Nhi đồng 1, Nguyễn Tri Phương, An Bình, Bình Dân, Nhân dân Gia định, Quận 10 và các bệnh viện tư nhân như Vạn Hạnh, Hoàn Mỹ, Triều An, Pháp Việt… Qua phân tích cho thấy, số lượng vi sinh vật trong không khí của 7/33 phòng mổ, phòng hồi sức của 13 bệnh viện trên là phù hợp về chỉ tiêu (chiếm 21,2%), số còn lại đều vượt chuẩn cho phép.

Qua quá trình điều trị bệnh nhân, BS Huỳnh Văn Bình, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức BV Nhân dân Gia Định TPHCM, cho biết viêm phổi là một trong những bệnh thường gặp nhất đối với bệnh nhân do các loại ổ vi trùng, vi khuẩn có trong bệnh viện gây ra. Một nghiên cứu tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức của BV Nhân dân Gia Định cũng ghi nhận tỷ lệ viêm phổi do thở máy là gần 60%. Trong đó, tỷ lệ viêm phổi do vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae chiếm khoảng 50%, viêm phổi do E.coli chiếm gần 27%; viêm phổi sau mổ do vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa gây ra chiếm 20%. Điều đáng nói, có hơn 93% mẫu đàm của bệnh nhân nằm viện khi phân lập được đều có vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị.

Tại BV Chợ Rẫy TPHCM, ghi nhận của TS Lê Thị Anh Thư và cộng sự về tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện cũng cho thấy, bệnh nhân nằm viện bị viêm phổi thường gặp nhất (chiếm 45%), tiếp theo là nhiễm khuẩn vết mổ (21%), nhiễm trùng tiểu (13%), nhiễm trùng da (11%), nhiễm trùng huyết (10%).

  • Gánh nặng và thách thức

Trước khuyến cáo của các chuyên gia y tế, tháng 7-2010, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đã chủ động tìm hiểu công nghệ phòng chống nhiễm trùng cho các phòng mổ. Tuy nhiên, công nghệ của các hãng nước ngoài có giá rất cao nhưng không phù hợp cho một bệnh viện vốn đã cũ kỹ. Ngay thời điểm đó, Công ty cổ phần Khoa học công nghệ P.E (PETECH) TPHCM đã tiên phong đặt vấn đề lắp đặt hệ thống cấp khí siêu sạch áp lực dương do trong nước nghiên cứu, chế tạo có công nghệ mới nhất đạt tiêu chuẩn quốc tế Merck 2009 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận. Dù khá “dị ứng” với công nghệ trong nước, nhất là về lĩnh vực y khoa và chưa hình dung được hệ thống cấp khí siêu sạch áp lực dương (có ký hiệu UCASS-X7G) nhưng lãnh đạo BV Chợ Rẫy vẫn ký hợp đồng thực hiện.

Đến tháng 9-2010, Công ty P.E đã lắp đặt xong và chuyển giao cho BV Chợ Rẫy 4 hệ thống UCASS-X7G đặt tại 3 phòng mổ tim hở và 1 phòng hồi sức hậu phẫu. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế) tại Khoa Phẫu thuật tim hở cho thấy các chỉ tiêu về tổng số vi khuẩn hiếm khí, nấm mốc, Streptococci nhóm A tan máu và vi khuẩn Staphylococcus aureeus đều nằm ở mức cho phép theo tiêu chuẩn Merck 2009. “Đây là một tín hiệu tốt giúp phòng ngừa các loại nhiễm trùng vết mổ, giúp bệnh nhân chóng lành bệnh và rút ngắn thời gian nằm viện” - BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đánh giá.

Theo các chuyên gia y tế, hầu hết các bệnh viện tại TPHCM đều quá cũ kỹ và hệ thống thông khí hay máy điều hòa không đảm bảo phòng chống nhiễm trùng. Hơn nữa, máy lạnh chỉ làm mát, hoàn toàn không có sự trao đổi giữa không khí trong và ngoài phòng mổ, hồi sức, ngoại trừ trao đổi nhiệt. Trong khi đó, để đầu tư một hệ thống cấp khí sạch công nghệ nước ngoài phải mất tới gần 3 tỷ đồng và thay đổi thiết kế phòng mổ, phòng hồi sức, khiến không ít bệnh viện gặp khó khăn. Theo Kỹ sư Phan Mạnh Hùng, Chủ nhiệm dự án hệ thống cấp khí siêu sạch UCASS-X7G, với công nghệ mà trong nước nghiên cứu, chế tạo này rất dễ lắp đặt và nhanh chóng cho mọi loại phòng mổ, phòng hồi sức mà không cần ngưng hoạt động và cải tạo, giá chỉ 700 triệu đồng/hệ thống.

Theo kỹ sư Đặng Quang Mỹ, Phó Trưởng phòng Xây dựng cơ bản Sở Y tế TPHCM, đây là công nghệ mới lần đầu tiên Việt Nam chế tạo được nhưng nhiều bệnh viện vẫn chưa quan tâm đầu tư. “Mặc dù biết rằng phòng chống nhiễm khuẩn là cơ hội cứu sống nhiều mạng người, giảm bớt gánh nặng tiền thuốc, viện phí cho bệnh nhân nhưng chưa hẳn bệnh viện nào cũng chủ động triển khai” - kỹ sư Mỹ nói. Được biết, trước khuyến cáo về tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã có công văn nhắc nhở các bệnh viện quan tâm, báo cáo lên Bộ Y tế. Song, liệu các bệnh viện có thực thi?

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục