5 bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Lào

Ngày 9-5, tại TPHCM, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp Trường Chính trị - Hành chính thủ đô Viêng Chăn (Lào) tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - kinh nghiệm của Việt Nam và Lào”, thu hút hơn 100 tham luận và ý kiến phát biểu.

(SGGP).- Ngày 9-5, tại TPHCM, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp Trường Chính trị - Hành chính thủ đô Viêng Chăn (Lào) tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - kinh nghiệm của Việt Nam và Lào”, thu hút hơn 100 tham luận và ý kiến phát biểu.

Nhiều ý kiến đã tập trung luận giải, phân tích nhằm khẳng định việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường, định hướng XHCN của Việt Nam và Lào là đúng đắn, phù hợp với điều kiện kinh tế của hai nước; khẳng định những thành tựu quan trọng của sự nghiệp đổi mới và chia sẻ những vấn đề vướng mắc cần tiếp tục khắc phục, tháo gỡ ở mỗi nước để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước trong điều kiện mở cửa, hội nhập.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế được hai Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào lựa chọn, nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật vững chắc cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Sau 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng và nhân dân hai nước đã giành được những thắng lợi quan trọng, có ý nghĩa quyết định trên nhiều lĩnh vực, dần đưa đất nước tiếp cận thị trường khu vực và thế giới.

Bên cạnh thuận lợi, Việt Nam và Lào cũng gặp không ít trở ngại, khó khăn tương tự nhau. Thực tế đó đặt yêu cầu cho giới nghiên cứu, giảng dạy lý luận của Việt Nam và Lào tiếp tục nghiên cứu, tổng kết lý luận, tìm kiếm con đường, giải pháp phù hợp với thực tế mỗi nước, phát huy cao nhất các lợi thế tiềm năng của đất nước - nhất là tiềm năng con người cho phát triển và tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế đất nước.

Tại hội thảo, thạc sĩ Viengphone Keokhounsy, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị - Hành chính thủ đô Viêng Chăn (Lào) đề cập đến 5 bài học kinh nghiệm mà Lào rút ra từ thực tiễn: Phát triển kinh tế hàng hóa là sự giải phóng lực lượng sản xuất lạc hậu, tạo lập quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất; Chuyển sang kinh tế thị trường là một quá trình phức tạp gắn liền với sự ổn định và phát triển của xã hội, do đó phải có bước đi và biện pháp thực hiện phù hợp với bối cảnh thực tế của mỗi lĩnh vực và địa phương; Tiến tới việc phát triển kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường phải đẩy mạnh việc phân phối lao động xã hội và phát triển thị trường, mở rộng lưu thông hàng hóa và nâng cao trình độ hiểu biết, văn hóa của nhân dân; Phát triển kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường gắn liền với phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế; Chuyển sang phát triển kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường theo định hướng XHCN phải có sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục