(SGGPO).- Sáng nay 14-3, báo cáo với Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn làm việc với Thành ủy TPHCM về việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (gọi tắt là Chỉ thị số 11-CT/TW), Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Võ Thị Ánh Tuyết cho biết từ chủ trương của Thành ủy, đến nay đã có 5/24 quận, huyện có 100% đảng viên đăng ký là hội viên Hội Khuyến học, đồng thời đóng góp tài chính để phong trào khuyến học lan tỏa sâu rộng trên địa bàn TPHCM.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung phát biểu tại buổi làm việc
Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, ngay sau khi Chỉ thị số 11-CT/TW được ban hành, TPHCM đã chủ động, kịp thời xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng TPHCM thành một thành phố học tập”.
Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tính chất, đặc thù của tổ chức, đoàn viên, hội viên đã lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch, phong trào hoạt động để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố.
Hầu hết cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm lãnh đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đầu tư nâng chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Đặc biệt, Hội Khuyến học TPHCM đã triển khai thực hiện nhiều mô hình mới, sáng tạo, thu hút và nhân rộng được nhiều đơn vị, cá nhân tham gia, góp phần tích cực nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của TPHCM.
Tại buổi khảo sát, nhiều kết quả cụ thể của TPHCM đã được Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao và cho biết từ mô hình của TPHCM, phong trào này đã lan tỏa cả nước. Trong đó có mô hình mở các lớp xóa mù chữ; các chiến dịch tình nguyện do Ban Thường vụ Thành Đoàn phối hợp với Hội Sinh viên, Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM tổ chức thông qua đó, lồng ghép các hoạt động học tập cho thiếu nhi, góp phần duy trì, xây dựng tinh thần không ngừng học tập (gần 700 lớp học tình thương được mở cho hơn 17.000 em thiếu nhi; sửa chữa, sơn mới hơn 1.500 phòng học, trường học; xây dựng 1.640 tủ sách hè phục vụ thiếu nhi với hơn 200.000 đầu sách...).
Các phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Đơn vị hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học” đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng xã hội học tập ở cơ sở và được nhiều tỉnh, thành khác học tập. Riêng tại TPHCM, phong trào nói trên đã lan tỏa khắp các địa bàn dân cư được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Từ 77 trung tâm học tập cộng đồng vào thời điểm tháng 8-2008, đến nay toàn TPHCM có 320/322 xã, phường, thị trấn thành lập trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỉ lệ 99,73%. Trong số này, có 96 trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với nhà văn hóa, bưu điện xã, 83 trung tâm học tập cộng đồng có cơ sở vật chất riêng, 219 trung tâm kết nối mạng internet, 190 trung tâm có tủ sách riêng, 38 trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng là trung tâm nguồn để làm hạt nhân cho các hoạt động ở địa phương, đồng thời hỗ trợ hoạt động cho các trung tâm khác.
Tại buổi làm việc, nhiều kiến nghị của TPHCM cũng đã được Đoàn công tác ghi nhận, trong đó có kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản cụ thể mức hỗ trợ tối thiểu cho cán bộ quản lý trung tâm học tập cộng đồng, bao gồm: giám đốc, các phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ.
Hồng Hiệp