Mấy ngày qua, báo chí liên tục phản ánh thực trạng các nhân viên, chủ cây xăng “móc túi” người tiêu dùng. Hành vi ăn cắp xăng của người dân đã diễn ra từ rất lâu, rất trắng trợn, báo chí cũng đã có nhiều bài viết rõ ràng về tệ nạn này rồi, nhưng mức độ gian lận, ăn cắp ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Phải chăng do chúng ta chưa có biện pháp mạnh? “Ăn cắp quen tay”, hôm nay gian lận vài ngàn, hôm sau thấy dễ, không ai nói gì tăng lên cả chục ngàn. Trong chuyện lừa đảo xăng dầu, tôi nghĩ công ty xăng dầu cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì đã không quản lý tốt. Đối với nhân viên có hành vi gian lận, nếu chỉ tạm đình chỉ, liệu có đủ răn đe những cá nhân khác?
Đồng thời, bên cạnh đó, đối với những người dân đã bị ăn gian tiền xăng thì cũng nên có một biện pháp giải quyết hợp lý. Không thể chỉ nói không biết, “sốc” rồi xin lỗi là xong. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc để dẹp triệt để nạn ăn cắp xăng tại các cây xăng, xử lý hình sự một số đối tượng, thu hồi giấy phép kinh doanh vĩnh viễn để làm gương, đồng thời có tính giáo dục răn đe lâu dài.
Chúng ta có luật pháp, có các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật. Các cơ quan chức năng, từ bộ đến sở ngành: công thương, khoa học - công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hội bảo vệ người tiêu dùng... đủ cả. Nhưng rõ ràng là đến nay người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ.
Trong khi những kẻ làm ăn phi pháp vẫn nhởn nhơ tự tung tự tác, các cơ quan chức năng lại có dấu hiệu bó tay, đây quả là một lỗ hổng quản lý rất lớn. Chừng nào cơ quan chức năng còn nói “không có thẩm quyền”, “chưa có quy định” thì việc “móc túi” khách hàng còn diễn ra dài dài.
Quan trọng hơn là chuyện lòng tin của khách hàng đã bị mất mát quá lớn. Vậy ai sẽ bảo vệ người tiêu dùng?
THIÊN NGÂN (quận Tân Bình)