Ngày 11-12, cả phe đối lập và ủng hộ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi cùng tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ tại thủ đô Cairo cùng nhiều thành phố lớn khác trên phạm vi cả nước. Cuộc biểu tình của hai lực lượng đối kháng đã nhấn Ai Cập chìm sâu hơn trong bất ổn, trước cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp gây tranh cãi dự kiến diễn ra ngày 15-12.
Lực lượng an ninh sẵn sàng
Trang web chính thức của tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết 2 triệu người đã tham gia diễu hành tại quận Nars City ở phía Bắc thủ đô Cairo nhằm ủng hộ “tính hợp pháp” của Tổng thống Morsi cũng như bản dự thảo hiến pháp. Về phần mình, phe đối lập tuyên bố tổ chức 6 cuộc tuần hành lớn từ nhiều hướng rồi đổ về tập trung trước Phủ Tổng thống tại quận Heliopolis, không xa nơi tập trung của những người ủng hộ Tổng thống.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Ai Cập tuyên bố cảnh sát nước này đã được triển khai và đủ khả năng bảo vệ các cơ quan có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công. Bộ Nội vụ khẳng định các lực lượng an ninh đã xây dựng kế hoạch bảo vệ tài sản nhà nước và của người dân cũng như bảo vệ người biểu tình hòa bình, nhấn mạnh cảnh sát có khả năng đối phó với những đối tượng phá hoại núp bóng người biểu tình. Mặt khác, Bộ Nội vụ cũng kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, tránh gây nguy hiểm cho sự an toàn của công dân và đất nước.
Tổng thống yếu thế
Hiện các chính đảng và phong trào đối lập vẫn đang ráo riết chuẩn bị các hoạt động phản đối cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra ngày 15-12. Phong trào thanh niên “Ngày 6-4” phát động chiến dịch tuyên truyền về những thất bại của dự thảo hiến pháp và hậu quả nếu tham gia cuộc trưng cầu ý dân này. Mục đích chính của chiến dịch là huy động một lượng lớn cử tri bỏ phiếu chống dự thảo Hiến pháp vì văn bản này “đi ngược lại các yêu cầu của cuộc cách mạng”. Đã có nhiều chính khách lên tiếng bác bỏ bản dự thảo hiến pháp nhưng vẫn đợi động thái chính thức của Mặt trận cứu quốc (NSF), tổ chức quy tụ nhiều chính đảng tự do và cánh tả đối lập, để quyết định sẽ tẩy chay hay bỏ phiếu chống văn bản này. Ủy ban Bầu cử tối cao Ai Cập cho biết sẽ tuyên phạt 500 LE (khoảng 80 USD) đối với những người không tham gia cuộc trưng cầu ý dân sắp tới.
Việc triển khai lực lượng an ninh được tiến hành một ngày sau khi Tổng thống Mohamed Morsi ban hành một sắc lệnh mới trao cho quân đội quyền bắt giữ, đồng thời chỉ thị quân đội hợp tác với cảnh sát cho đến thời điểm công bố kết quả cuộc trưng cầu ý dân. Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Abdel Fattah al-Sisi, khẳng định “quân đội thuộc về nhân dân và sẽ thực hiện tất cả các nhiệm vụ của mình để duy trì an ninh, ổn định cho đất nước”.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, vị thế của Tổng thống Morsi ngày càng yếu đi sau những quyết định nhượng bộ liên tục trong những ngày qua. Mới nhất là quyết định đột ngột đình chỉ tăng thuế trên diện rộng đối với hàng loạt sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ của Tổng thống Morsi trong sáng 10-12, chỉ vài giờ sau khi được công bố, đã kéo theo làn sóng chỉ trích gay gắt từ các chính khách và chuyên gia kinh tế. Báo chí Ai Cập cho rằng quyết định này của Tổng thống là vội vàng và nhấn mạnh đây là lần thứ 5 sau 5 tháng tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Morsi phải rút lại các sắc lệnh quan trọng của mình. Khả năng quân đội đang đẩy ông Morsi đến chỗ thất bại và ông Morsi có thể rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông” trong các trưng cầu ý dân tiếp theo.
Hạnh Chi