Nhưng điều ngạc nhiên hơn là, các cơ quan quản lý đều đưa ra những lý do nhằm chối bỏ trách nhiệm và đến nay vẫn không có cơ quan, đơn vị nào bị xử lý trách nhiệm trong vụ việc rất gây bức xúc dư luận này.
Sau khi vụ việc bị phát giác, các cơ quan chức năng mới rà soát lại lộ trình của phương tiện và cho biết, từ ngày 23 đến 30-3 có 4 phương tiện chở cây quá tải xuất phát từ tỉnh Đắk Lắk đi qua các tuyến QL26, QL1, ĐT379. Trong đó, 1 xe đã đi trót lọt đến khu đô thị Ecopark (Hưng Yên), còn 3 xe đang lưu thông trên QL1 qua đoạn tuyến tránh Thừa Thiên - Huế bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) phát hiện, xử lý. Ngay lập tức, dư luận nghĩ đến trách nhiệm của ngành GTVT trong việc kiểm soát xử lý xe quá tải trọng để bảo vệ hạ tầng giao thông. Bởi trước đó, Bộ GTVT đã được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp tổ chức rầm rộ nhiều đợt ra quân kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, giải thích của Bộ GTVT đưa ra thật bất ngờ, trên QL26 từ tỉnh Đắk Lắk đến tỉnh Khánh Hòa và QL1 từ tỉnh Khánh Hòa đến Hà Nội hiện không có bất cứ trạm KSTTX cố định nào. Đồng thời, các trạm KSTTX lưu động cũng đã ngừng hoạt động trên tuyến từ khi kết thúc kế hoạch liên ngành 12593 giữa Bộ GTVT và Bộ Công an.
Hiện các đơn vị quản lý đường bộ chỉ tổ chức KSTTX đột xuất theo kế hoạch, mà tại thời điểm xe chở cây khủng lưu thông, không có kế hoạch kiểm tra đột xuất nào trên tuyến. Bộ GTVT cũng khẳng định, các đơn vị chưa phát hiện hành vi tiêu cực của lực lượng công chức thanh tra đường bộ trong quá trình tuần tra, kiểm soát tải trọng liên quan đến các phương tiện chở cây khủng nêu trên. Về phía Bộ Công an, trực tiếp là lực lượng CSGT, đơn vị nòng cốt cùng với Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ chống xe quá tải mà Thủ tướng Chính phủ giao phó cũng đưa ra nhiều lý do khiến xe lọt trạm. Theo thông tin từ Phòng CSGT các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, thời điểm xe chở cây khủng đi qua không có tổ tuần tra kiểm soát làm nhiệm vụ nên không phát hiện vụ việc. Mặt khác, các tài xế thường đối phó, lợi dụng đêm tối, thời điểm các tổ tuần tra kiểm soát giao ca, nghỉ để vượt chốt. Cục CSGT cũng cho rằng chưa đủ cơ sở để khẳng định có việc bảo kê, tiêu cực của lực lượng CSGT và chỉ nhận trách nhiệm đã thiếu kiểm tra, đôn đốc chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ trên tuyến.
Cùng trách nhiệm lớn trong cuộc chiến chống xe quá tải là các địa phương. Tại Chỉ thị 32 về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã giao cụ thể trách nhiệm KSTTX thuộc về chính quyền địa phương, theo đó, lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về tình trạng xe quá tải trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, những địa phương mà xe chở cây khủng đi qua đều không có động thái nào nhận phần trách nhiệm.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương từng xác định cuộc chiến chống xe quá tải rất cam go, đòi hỏi sự vào cuộc của các bên liên quan và của toàn xã hội. Cuộc chiến này cũng đã tiêu tốn một nguồn lực không nhỏ, trong đó Bộ GTVT đã đầu tư cho 63 tỉnh, TP bộ cân tải trọng di động, xây dựng thêm nhiều trạm cân cố định nhưng hiện hầu hết các tỉnh, thành phố đã giải tán trạm và đưa bộ cân lưu động vào “đắp chiếu”.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thừa nhận sự thiếu chủ động, thiếu trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành, địa phương đang khiến cuộc chiến chống xe quá tải gặp khó khăn và xe quá tải đang lộng hành trở lại. Tại nhiều địa phương trên cả nước, điển hình là Quảng Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Đắk Lắk, Quảng Nam, Đà Nẵng… xe chở vật liệu xây dựng, chở hàng đang tung hoành trên nhiều tuyến đường. Thực trạng này đồng nghĩa với việc hạ tầng giao thông đang bị phá nát, tai nạn giao thông gia tăng.
Thực tế chống xe quá tải cho thấy, việc phát hiện xe quá tải không khó, cái khó là sự phối hợp trách nhiệm giữa Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương và quyết tâm của các lực lượng chức năng như thế nào. Việc xe chở cây khủng có thể nghênh ngang đi cả chặng đường dài trên các tuyến quốc lộ là do cả Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương đều không thực sự quyết liệt với nhiệm vụ chống xe quá tải, thậm chí nhiều nơi, nhiều thời điểm đã buông tay hoàn toàn. Vụ việc này rất cần có sự xác định trách nhiệm sòng phẳng giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan chứ không phải chỉ phát hiện, xử lý chủ phương tiện là xong.