Alibaba tạm qua cơn sóng gió

Sự kiện tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba, xuất hiện trong một đoạn video phát sóng vào chiều 20-1 sau hơn 2 tháng vắng bóng đã thu hút hàng triệu lượt quan tâm và hàng ngàn lượt bình luận trên mạng xã hội.
Alibaba tạm qua cơn sóng gió

 Trong video, ông Jack Ma chỉ đề cập về giáo dục và phúc lợi công cộng với tư cách là một giáo viên. Vì thế, dư luận vẫn tò mò liệu ông sẽ giải quyết vụ điều tra chống độc quyền mà Chính phủ Trung Quốc nhắm vào Alibaba và việc IPO của Ant Group - công ty tài chính thuộc Alibaba như thế nào. Phải chăng đây là hành động nhằm trấn an dư luận trước những sóng gió đang đổ về Tập đoàn Alibaba?

Sự việc trên khiến cổ phiếu của Alibaba niêm yết tại Hong Kong đến sáng 21-1 đã bật tăng ở mức 6%. Diễn biến này cho thấy, dù không chính thức đưa ra tuyên bố nào về Alibaba, nhưng sự xuất hiện của Jack Ma nhiều khả năng có thể ngăn chặn làn sóng bán tháo cổ phiếu diễn ra trong thời gian gần đây, khiến cổ phiếu của Alibaba liên tục rớt giá. Giới đầu tư siêu giàu đang đua nhau rút vốn khỏi cổ phiếu Alibaba, sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc mở điều tra chống độc quyền nhằm vào hãng thương mại điện tử khổng lồ. Việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý các hãng công nghệ, khiến họ phải cân nhắc lại về việc nắm giữ cổ phần tại những công ty này, dù Trung Quốc chứng kiến làn sóng tiêu dùng trực tuyến bùng nổ sau nhiều đợt phong tỏa phòng đại dịch Covid-19 đầu năm nay.

Sau cuộc điều tra chống độc quyền vào cuối tháng 12 năm ngoái, giới chức Trung Quốc yêu cầu Ant Group tuân thủ các nguyên tắc thị trường và luật định, thực hiện các yêu cầu về giám sát tài chính, cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và quản lý hoạt động, phát triển của các hoạt động tài chính. Nhà chức trách buộc Ant Group hạn chế cho vay tiêu dùng. Công ty này cũng có thể phải từ bỏ các mảng kinh doanh béo bở nhất như cho vay tiêu dùng, bảo hiểm và quản lý tài sản. Đây là cơn địa chấn thứ hai đối với Ant Group, sau khi chính quyền Trung Quốc buộc công ty hoãn đợt IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) tại Hồng Công và Thượng Hải hồi tháng 11.

Từng được ca ngợi là động lực phát triển kinh tế và là biểu tượng của sức mạnh công nghệ Trung Quốc, đối thủ của Alibaba là Tencent cũng đang đối mặt áp lực ngày càng lớn từ các nhà chức trách, sau khi thu hút hàng triệu người dùng và có sức ảnh hưởng lớn trong gần như mọi mặt đời sống hàng ngày tại đất nước tỷ dân. Tencent cũng bị Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) phạt 500.000 NDT (76.000 USD). Nguyên nhân là Tencent không xin phép cơ quan quản lý khi công ty con China Literature mua lại hãng giải trí và truyền thông Trung Quốc New Classics Media hồi năm 2018.

Những năm trước đây, Trung Quốc từng do dự trong việc thắt chặt kiểm soát đối với các công ty internet vì lo ngại cản đường đổi mới. Tuy nhiên, việc cho phép những mảng kinh doanh mới của các công ty này phát triển ngoài tầm kiểm soát, thậm chí vượt khỏi ranh giới của quy định đã gây những tranh cãi cho rằng, các tập đoàn, công ty này sử dụng sức ảnh hưởng của mình để đe dọa đối thủ nhỏ hơn và triệt tiêu tính cạnh tranh trong ngành. Đến năm 2020, Chính phủ Trung Quốc mới triển khai các biện pháp quản lý mới để kiểm soát những tập đoàn công nghệ đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục