An toàn giao thông TPHCM: Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý

Thống kê từ ngành chức năng cho thấy, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TPHCM trong 3 tháng đầu năm 2016 có nhiều cái được nhưng cũng còn những điểm đáng để bận tâm. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT thành phố, về những vấn đề liên quan.
An toàn giao thông TPHCM: Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý

Thống kê từ ngành chức năng cho thấy, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TPHCM trong 3 tháng đầu năm 2016 có nhiều cái được nhưng cũng còn những điểm đáng để bận tâm. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT thành phố, về những vấn đề liên quan.

PHÓNG VIÊN: Ông có thể nói gì về tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố trong quý 1 vừa qua?

Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Một cách tổng quát, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ trên địa bàn thành phố đã được kéo giảm ở 2 tiêu chí là số vụ tai nạn và số người bị thương, nhưng tiêu chí số người chết lại tăng. Cụ thể, quý 1 năm nay toàn thành phố xảy ra 823 vụ TNGT, giảm 118 vụ so với cùng kỳ năm 2015 (giảm 12,54%). Các vụ tai nạn này làm 199 người chết, tăng 15 người (tương đương mức tăng 8,15%); làm 664 người bị thương (giảm 21,33% so với cùng kỳ năm ngoái). Có 10 quận, huyện giảm được số người chết vì TNGT; 11 quận, huyện tăng số người chết vì TNGT, trong đó đáng ngại nhất là ở địa bàn quận 5 và quận Tân Bình vì có tình hình TNGT tăng cao. Một ghi nhận không mong muốn khác là trong quý 1 đã xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 6 người chết và 3 người bị thương.

Trong quý 1 vừa qua, địa bàn thành phố không xảy ra những vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, một mức độ ổn định, không tăng không giảm so với cùng kỳ năm 2015, nhưng các trường hợp ùn ứ vẫn xảy ra khá thường xuyên, đặc biệt trong các giờ cao điểm và tại các điểm nóng hoặc các trọng điểm giao thông, như các khu vực đang triển khai thi công các công trình hạ tầng cơ sở.

Một trong những công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông TPHCM trong thời gian tới là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe chở hàng cồng kềnh Ảnh: THÀNH TRÍ

Trật tự lòng lề đường trên địa bàn thành phố thì sao, thưa ông?

Trước hết, có lẽ cũng phải nhìn nhận rằng vấn đề giữ gìn, đảm bảo trật tự lòng lề đường trên địa bàn một siêu đô thị như thành phố là công tác hết sức khó khăn và là nhức nhối thường trực của các cấp quản lý. Nhìn chung, công tác quản lý trật tự lề đường, vỉa hè của các địa phương vẫn còn lỏng lẻo, chưa được duy trì thường xuyên. Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tham mưu cho UBND thành phố phân định rõ trách nhiệm của UBND các quận, huyện và phường, xã, thị trấn về quản lý trật tự đô thị, trật tự công cộng trên vỉa hè thuộc phạm vi mình quản lý, cũng như các cấp hành chính ấy phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước cấp trên nếu để xảy ra sai phạm về quản lý, sử dụng vỉa hè.

Ông có nhận xét gì về nạn tụ tập, đua xe gây mất trật tự công cộng trong thời gian qua?

Trên tổng thể, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố được duy trì ổn định; tuy nhiên, về đêm vẫn còn xảy ra tình trạng một bộ phận thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe gây mất trật tự trên đường. Trong quý 1-2016 đã xảy ra 8 vụ thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe gây mất trật tự ở các tuyến đường như Điện Biên Phủ hướng về cầu Sài Gòn; tuyến đường Trần Hưng Đạo hướng từ quận 1 về quận 5; đường Nguyễn Văn Linh hướng từ quận 7 về huyện Bình Chánh; tuyến đường Điện Biên Phủ hướng từ tiểu đảo Nguyễn Bỉnh Khiêm về tiểu đảo Hàng Xanh; tuyến đường Hồ Học Lãm hướng từ đường Kinh Dương Vương về Võ Văn Kiệt thuộc quận Bình Tân; tuyến đường Phạm Văn Đồng đoạn từ cầu Bình Lợi hướng về Thủ Đức; đường cao tốc ra quốc lộ 1A - đường số 7 hướng về đường Kinh Dương Vương.

 Theo ông, nguyên nhân nào khiến cho TNGT vẫn còn xảy ra với con số hàng trăm vụ việc như thế?

Một trong những điểm nổi bật trong thống kê mà chúng tôi ghi nhận được cho đến giờ phút này là có rất nhiều thành tố có thể gây ra tai nạn: do lái xe cơ giới, kỹ thuật xe, người điểu khiển xe thô sơ, người đi bộ hoặc do kỹ thuật cầu đường... Trong số này, nguyên nhân liên quan đến lái xe cơ giới là nhiều nhất và phức tạp nhất, tập trung vào các lỗi như: lưu thông không đúng phần đường, vi phạm tốc độ, tự gây tai nạn, không chú ý quan sát, tránh vượt không đúng quy định, đổi hướng không đúng quy định, lưu thông vào đường cấm hoặc đường ngược chiều, say bia rượu, xử lý tay lái kém…

Công tác đảm bảo trật tự ATGT thành phố trong thời gian tới có gì đáng chú ý?

Trọng tâm trong thời gian tới sẽ có nhiều nhiệm vụ. Đó là triển khai thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ”, đặt mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”, trong đó đặc biệt chú ý đẩy mạnh khâu tuyên truyền cổ động và tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông. Đối với công tác tuyên truyền, đó sẽ là phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó có kênh báo chí, để triển khai mục tuyên truyền ATGT trên trang thông tin điện tử của Ban ATGT thành phố; phối hợp với Đài Truyền hình thành phố thực hiện dự án chương trình với tên gọi “Đi an toàn - Về hạnh phúc” phát sóng trên Đài truyền hình TPHCM mỗi tuần một lần…

Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát cũng sẽ được tăng cường, chú trọng vào tuần tra lưu động, mô hình tổ tuần tra phối hợp cảnh sát giao thông với các lực lượng cảnh sát khác, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt các hành vi vi phạm về tốc độ giao thông, nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông, đi không đúng làn đường, vượt đèn đỏ, không đội nón bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện; chở hàng quá khổ, quá tải; đón trả khách không đúng nơi quy định…

THIỆN NHÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục