Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) dịp tết luôn là mối quan tâm lớn của dư luận. Bởi lẽ, tết là thời điểm mà sức tiêu thụ rất lớn, lượng hàng dồn về thị trường tấp nập, cả các siêu thị lẫn chợ truyền thống. Thị trường tết “ngốn” lượng lớn rau xanh, thịt cá, trái cây, thực phẩm chế biến… từ các vùng miền, kể cả vùng biên đổ về. Đây là cơ hội thuận lợi để hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc chen chân, trục lợi.
Nhớ dịp cận tết năm ngoái, cửa ngõ Lào Cai trở thành điểm nóng tập kết hàng thực phẩm nội tạng kém chất lượng, thịt bẩn, bì lợn thối… nhập lậu, trong đó có vụ mà số lượng bắt giữ lên đến cả tấn. Đó là chưa kể những mặt hàng chủ lực phục vụ tết như bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc, sản xuất kém vệ sinh lẫn cả giòi bọ… vẫn xuất hiện tràn lan trên các quầy kệ tại các chợ đầu mối. Có một vấn đề, người ta thường kêu gọi người tiêu dùng “hãy là người thông thái khi chọn mua sản phẩm”, điều này chỉ đúng một phần khi người tiêu dùng có đầy đủ thông tin.
Với thị trường hiện nay, người tiêu dùng thật sự bối rối không biết đâu là thịt nhập khẩu còn hạn hay hết hạn, nước uống đóng chai nào là đảm bảo chất lượng, trái cây nào là của Trung Quốc, trái cây nào “lên đời”, được dán nhãn, phù phép lại thành táo Mỹ, cam Úc… Vì thế, vai trò của cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát VSATTP rất quan trọng nhằm sàng lọc sản phẩm ra thị trường trước khi đến tay người tiêu dùng. Chỉ tiếc rằng, cách làm hiện nay còn mang tính phong trào, đến hẹn lại lên, khi các đoàn thanh tra mới có quyết định thành lập thì hàng đã ra tới thị trường. Đến lúc này, cá đã thả ra biển, đi lùa lại, ắt khó hơn nhiều.
Kiểm soát VSATTP phục vụ tết ngay từ bây giờ không còn là quá sớm. Những kẻ làm hàng gian, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng luôn tìm mọi cách để che giấu hành vi của mình nên việc chủ động thanh tra, thanh tra đột xuất là rất cần thiết. Những cơ sở không đủ điều kiện sản xuất thì không nên cấp phép. Thực phẩm không đủ độ tin cậy về VSATTP thì nên ngăn chặn ngay từ đầu, khi nào đủ điều kiện thì mới cấp phép.
Một thông tin đáng băn khoăn, lượng thịt nhập khẩu năm nay khá cao, đang nằm chờ ở cảng sẽ được tung ra thị trường tết. Do đó, thịt nào đủ chuẩn để thông quan, thịt nào đã quá hạn cần tiêu hủy… là việc cần làm ngay từ bây giờ, đừng để hàng về tới kho hay tung ra thị trường rồi phải đi thu hồi như đã từng xảy ra. Tiền kiểm và hậu kiểm, định kỳ và đột xuất phải thực hiện song song và thường xuyên.
Về phía người tiêu dùng, để họ trở thành “người tiêu dùng thông thái”, ở đây cần sự trợ giúp của các cơ quan nhà nước, các phương tiện báo đài trong việc thông tin, nâng cao nhận thức và hiểu biết, định hướng tiêu dùng. Những thành tựu từ phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” là một bằng chứng cho cách làm trên. Hơn thế, làm sao để hỗ trợ người tiêu dùng khi họ phát hiện hàng kém chất lượng, giúp họ mạnh dạn đấu tranh, tố cáo các cơ sở sản xuất hàng gian. Đây là cách để phát huy trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ người tiêu dùng, để sản phẩm trên các quầy kệ được “sạch” hơn.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến tết cổ truyền. Thời gian không còn nhiều và mong các ngành chức năng sớm vào cuộc để góp phần mang lại cái tết “sạch” trên mâm cơm mỗi nhà, mỗi người…
ÁI NHƯ (quận 3)