Áp lực kinh tế từ đồng yen yếu

Đồng yen đã giảm xuống quanh mức 128 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nguyên nhân chính là do Ngân hàng trung ương Nhật Bản quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện mục tiêu lạm phát 2%. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính sách đồng yen yếu sẽ giúp xuất khẩu và đầu tư tư nhân trong nước của Nhật Bản tăng trưởng. Tuy nhiên, đồng yen liên tiếp suy yếu sẽ cản trở phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời tạo áp lực đối với hoạt động sản xuất của các công ty trong nước, do giá nhập khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm, năng lượng, nguyên liệu sản xuất tăng theo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki gần đây đã đề cập về sự cần thiết phải đánh giá xem liệu đồng yen yếu hơn nữa có gây hại cho nền kinh tế hay không, đồng thời cho biết, chính phủ đang lo ngại về sự trượt giá gần đây của đồng tiền này. 

Theo kết quả khảo sát do Reuters Corporate Survey thực hiện trên 500 công ty vừa và nhỏ tại Nhật, 45% các công ty cảm thấy sẽ gặp khó khăn để đối phó với tình trạng đồng yen suy yếu nếu 120 yen chỉ đổi 1USD.

Đứng trước tình trạng đồng yen rớt giá mạnh, khoảng 60% doanh nghiệp đã nêu nguyện vọng mong muốn chính phủ khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân. Nguyên nhân chính do đồng yen giảm khiến chi phí nguyên liệu thô, trong đó có giá dầu thô tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, kéo theo hóa đơn tiền điện cũng tăng cao và gây tổn hại đến việc kinh doanh. Trong khi đó, sử dụng điện hạt nhân sẽ giúp Nhật Bản không phải phụ thuộc vào Nga, cắt giảm được chi phí nhập khẩu nhiên liệu ngày càng đắt đỏ. 

Tuy nhiên, Nhật Bản hiện đang tranh cãi về vai trò của năng lượng hạt nhân trong các nguồn năng lượng hỗn hợp, khi nước này đặt mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 để hạn chế sự ấm lên toàn cầu. 11 năm sau thảm họa kép động đất và sóng thần, rất nhiều người dân Nhật Bản vẫn ám ảnh sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại tỉnh Fukushima. Một trong những giải pháp đang được Chính phủ Nhật Bản tính đến đó là có thể mở rộng chương trình trợ giá xăng và các loại nhiên liệu khác trong số các biện pháp đang được xem xét nhằm giảm chi phí năng lượng tăng cao. Biện pháp này sẽ là một phần của gói cứu trợ mới mà Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ định nội các thống nhất lại vào cuối tháng 4 nhằm giảm thiệt hại kinh tế do giá nguyên nhiên liệu tăng.

Tin cùng chuyên mục