“Lẽ ra hôm nay tôi đã có mặt tại Thái Lan để cùng bà con Việt kiều thắp nén hương, cùng ôn lại những kỷ niệm về Bác. Tôi rất buồn vì mình vắng mặt trong ngày lễ trọng đại này. Nhưng đổi lại, tôi có những hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ sinh nhật Bác trên đất nước Việt Nam thương yêu”, bà Nguyễn Thị Thụy, 71 tuổi, Phó ban liên lạc Việt kiều Thái Lan, tâm sự. Với bà con kiều bào đang sinh sống tại Thái Lan, hình ảnh Bác Hồ luôn ở trong trái tim họ, soi sáng và giúp mọi người gắn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Đã thành thông lệ, hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà con Việt kiều đang sinh sống tại Thái Lan dù bận rộn thế nào cũng đều sắp xếp thời gian đến Nhà tưởng niệm - nơi có bàn thờ Bác Hồ (tại bản Na Chọc, tỉnh Na Khon Pha Nom, Thái Lan, là nơi Bác ở khi sang hoạt động tại Thái) - để thắp hương tưởng nhớ Bác. Gần 1 tháng nay, đội văn nghệ ráo riết tập luyện những bài hát, múa về Bác Hồ để biểu diễn trong ngày kỷ niệm. Lòng người ai cũng nôn nao chờ đợi. Bà Nguyễn Thị Thảo (68 tuổi), sinh sống từ nhỏ tại Thái Lan nhưng lòng bà luôn hướng về Tổ quốc Việt Nam. Dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn nhiệt tình tham gia huấn luyện đội văn nghệ người Việt tại Thái Lan, chuẩn bị các tiết mục múa, hát cho các ngày lễ kỷ niệm quan trọng. “Kỷ niệm ngày sinh của Bác là ngày trọng đại của đất nước Việt Nam, với bà con Việt kiều đang sinh sống tại Thái Lan cũng vậy, chúng tôi xem đây là ngày lễ quan trọng của mình. Nên hôm nay, mọi người tập hợp về đây để tưởng nhớ Bác, kể nhau nghe những câu chuyện về Người. Dù phải sống xa quê hương, nhưng lòng chúng tôi luôn hướng về Tổ quốc thương yêu”, bà Nguyễn Thị Thảo chia sẻ.
Bà con Việt kiều sinh sống ở Thái Lan tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ.
Với ông Đào Trọng Lý (60 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Thái Lan, hàng năm vào ngày sinh của Bác Hồ, ông thường đưa con cháu đến nhà tưởng niệm để giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương, nhớ về cội nguồn của dân tộc, về công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cùng với bà con kiều bào thắp nén hương, ôn lại những kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu. Kể những câu chuyện về Bác, về tính giản dị, hiền hòa, yêu thương đồng bào… để các thế hệ con, cháu hiểu hơn về người Cha già kính yêu của dân tộc. Tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, vẫn còn cây khế, cây dừa và nhà sàn của Bác. Qua bao nhiêu năm tháng, cây khế vẫn xum xuê, cành trĩu đầy quả ngọt, cây dừa sừng sững xanh tươi giữa bầu trời.
Với vinh dự hai lần được gặp mặt Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Thụy không thể nào quên được giây phút hạnh phúc ngập tràn ấy. Lần đầu tiên được gặp Bác là khi bà 18 tuổi, lần đầu bà được về Việt Nam và cùng đoàn kiều bào tham dự lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9. Khi được Bác ôm vào lòng, bà vui mừng và nghẹn ngào rơi nước mắt. Bởi từ nhỏ, Bác Hồ đã là một người cha vĩ đại trong lòng bà. Qua những câu chuyện kể của cha mẹ, bà biết Bác Hồ đã không ngại hy sinh thân mình, ra đi tìm đường cứu nước. Nhiều lần bị bắt, bị tù đày cực khổ nhưng Bác vẫn kiên trì học hỏi với mong muốn giải phóng dân tộc và xây dựng nước nhà. Bác luôn mong mỏi đồng bào được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc. Lần thứ hai gặp Bác là vào năm 1964, bà đã về Việt Nam và làm việc tại Nhà máy dệt 8-3 ở Hà Nội. Bà Thụy kể rằng lần đó Bác đến thăm nhà máy, thay vì vào thẳng phòng họp, Bác đã đi xuống nhà ăn, đến khu tập thể, nhà giữ trẻ để xem công nhân ăn, ở thế nào, xem con em của công nhân có được chăm lo tốt hay không. Rồi đến khi vào gặp mọi người, Bác dặn dò phải sản xuất giỏi, chiến đấu tốt và trên hết phải chăm lo cho con em công nhân có chỗ ở, nơi học hành đàng hoàng.
Ngày nay, dù đã về sinh sống tại Việt Nam, nhưng hàng năm vào dịp sinh nhật Bác, bà Thụy đều sang Thái Lan để cùng bà con Việt kiều mừng ngày sinh của Bác. “Bác thật giản dị, hiền hòa và vui vẻ. Những câu chuyện của Bác luôn dễ hiểu và rất ý nghĩa. Bác lồng vào đấy từng lời dạy bảo để chúng tôi thêm động lực, thêm phương hướng để phấn đấu. Với tôi và bà con kiều bào, Bác Hồ luôn ở trong trái tim của mỗi người”, bà Nguyễn Thị Thụy cho biết.
Cũng chính những lời dạy của Bác, cách sống giản dị của Bác giúp bà con Việt kiều sinh sống tại Thái Lan thêm đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau. Với bà con kiều bào, mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác, được ngồi lại cùng nhau, ôn những kỷ niệm về Bác chính là cách để mọi người không quên cội nguồn dân tộc. Trong trái tim của mỗi kiều bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là người thầy, người cha hiền hòa, kính mến, một vĩ nhân đã hy sinh cả cuộc đời cho Tổ quốc. Thời gian qua, học tập Bác, bà con kiều bào đã có nhiều đóng góp cho đất nước thông qua nhiều việc làm đầy ý nghĩa và thiết thực. Họ mong được đóng góp sức mình để xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
THÁI PHƯƠNG