
Bạn có tin rằng có thể mua biển số xe “xịn” giá cao từ những người môi giới ngay trong khuôn viên trụ sở CSGT Hà Nội? Dù đã có người của chợ trời “chỉ điểm”, tôi cũng sẽ không tin, nếu như chính tôi không mua được biển số xe “xịn” giá cao ở đây. Và bạn có tin không khi mà chỉ cấp lại biển số xe bị mất hoặc hư hỏng phải cần đến 60 ngày, thậm chí còn lâu hơn… Khi nào quy định trên chưa bỏ thì các biển số xe vẫn còn là món hàng trộm cắp béo bở…
- Kẽ hở phát sinh tiêu cực

Vì sao ở Hà Nội và chỉ ở Hà Nội mới rộ lên hiện tượng mất cắp biển số xe mà không mất cả xe? Gốc của vấn đề là đâu? Có lẽ chúng ta phải trở lại từ quy định không cho phép đăng ký mới xe hai bánh của 7 quận nội thành Hà Nội thời gian qua và Thông tư số 01/2002/ TT-BCA về xét cấp lại giấy đăng ký hoặc biển số xe bị mất.
Nội dung Thông tư 01/2002 có đoạn như sau: “Chủ xe bị mất giấy đăng ký hoặc biển số xe phải có công văn đề nghị, hoặc đơn trình bày đề nghị cấp lại có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc đơn vị công tác. Chủ xe có thể ủy quyền người khác làm thay và không phải mang xe đến cơ quan đăng ký xe. Sau thời hạn 60 ngày, nếu không phát hiện nghi vấn thì được giải quyết cấp lại giấy đăng ký hoặc biển số xe. Trường hợp cấp lại trước thời hạn nói trên, phải được phê duyệt của cấp trên có thẩm quyền…”.
Người dân sinh sống ở Hà Nội khi mua một chiếc xe gắn máy mới cũng đồng nghĩa với việc mua luôn tên người đứng tên cho xe. Mà người bán tên có thể là dân ngoại thành Hà Nội hoặc ở các tỉnh xa xôi hơn. Điều phi lý ấy khiến bọn trộm cắp nhìn vào sự ngại khó của những chủ xe mà nghĩ ra một hướng làm ăn mới: “chôm” biển số xe.
Một hồ sơ xin cấp lại cái biển số xe do bị mất hoặc hư hỏng nặng phải cần đến 60 ngày (không kể lễ Tết) dù đã được chính quyền địa phương hoặc đơn vị công tác xác nhận sự thật vào đơn thì quả là làm khó dân. Bởi, chiếc xe là tài sản, là phương tiện sinh sống của nhiều người, nhiều gia đình. Phải “trùm mền” cái “cần câu cơm” ấy vài tháng trời thì chắc phải treo niêu. Chưa hết, nếu “có nghi ngờ cần làm rõ”, cần đến sự có mặt của chính chủ xe (người đứng tên) trong khi họ ở tận Thái Nguyên, Hà Tây, Bắc Ninh… thì thật khốn đốn. Thôi thì, 500 ngàn chứ 1 triệu đồng để chuộc hoặc mua nhanh một biển số xe bị mất cắp, cũng đành cắn răng. Hoạt động trộm cắp và kinh doanh biển số xe nhờ thế nở rộ và đây cũng là cơ hội để nơi có chức năng làm biển số xe “xịn” có điều kiện “cải thiện cuộc sống riêng”?!
- Những câu hỏi cần được trả lời công khai

Điều mà chúng tôi không hiểu và ngay cả Thanh tra CA Hà Nội cũng “đang làm rõ” là: Vì sao các loại đơn của Phòng CSGT Hà Nội lại giao cho chị phụ nữ tên Thoa, mà theo xác nhận của Thanh tra CA Hà Nội, thì cô ta không phải là người trong ngành. Thoa được Phòng CSGT Hà Nội “phân công” bán các loại đơn và thực hiện công đoạn cà số khung, số máy và chỉ dẫn khách đến làm giấy tờ xe chuyên nghiệp hơn cả chị CSGT ngồi trong nhà chỉ để thu tiền giữ xe? Khách đến làm các thủ tục ở Phòng CSGT nếu không muốn “đứng ịn mặt” vào cửa kiếng để chép tay các loại đơn thì sẽ được hướng dẫn ra chị Thoa mua đơn?! Tôi cũng thế! Còn nữa, sau khi có trong tay giấy chứng nhận của chị Thoa về việc sẽ giao bảng số xe 29 P2… 22, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với Thanh tra Công an Hà Nội.
Sau đó, chị Thoa đã khai nhận: có bán cho tôi lá đơn giá cao và nhận 200.000đ tiền cọc. Thanh tra CA Hà Nội đã thu giữ biển số xe mà chúng tôi đã cung cấp số từ tay chị Thoa. Vậy còn chị phụ nữ bán bảo hiểm của Pijico giữ vai trò nào trong vụ việc tiêu cực trên? Đến nay, đã gần một tháng chờ đợi, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi nào từ Thanh tra CAHN, dù chúng tôi đã cung cấp những chứng cứ và thông tin khuất tất đã thu thập trong quá trình làm nghiệp vụ của mình.
Sau khi Hà Nội cho phép đăng ký lại xe gắn máy trong 7 quận nội thành, chuyện mất biển số xe tưởng sẽ giảm hẳn nhưng thực tế thì mọi chuyện không có gì thay đổi bởi Thông tư số 01/2002 của Bộ Công an vẫn còn hiệu lực. Chúng tôi gọi điện thoại xin gặp Cục trưởng Cảnh sát Giao thông Vũ Sỹ Doanh để trao đổi về những nghi vấn tại Phòng CSGT Hà Nội, cũng như xin được trao đổi thêm về Thông tư 01 nhưng đã bị từ chối với lý do ông bận họp.
Ông đề nghị chúng tôi gửi tất cả thắc mắc đến VP Cục CSGT và hứa sẽ trả lời sau. Vậy thì, chúng tôi xin được công khai nêu thắc mắc với Cục trưởng Cục CSGT rằng, ông có thấy quy định 60 ngày mới xét cấp lại biển số xe chính là một kẽ hở dẫn tới tiêu cực trong ngành CSGT? Theo ông, quy định trên có nên sửa chữa hay tiếp tục tồn tại?
Trong khi chờ đợi câu trả lời của Cục trưởng CSGT, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với Đại tá Đỗ Kim Tuyến, Phó Giám đốc CA Hà Nội. Đại tá Tuyến thừa nhận: quy định 60 ngày mới xét cấp lại biển số xe bị mất, nếu không có nghi vấn gì là quá chậm, gây trở ngại cho dân, cần được xem lại. Nên rút ngắn thời gian cấp lại biển số xe, nếu đã có chứng thực của chính quyền địa phương và cơ quan công tác của người xin cấp lại. Theo ông, đó cũng là một cách để kéo cán bộ CSGT ra xa chiếc bẫy tiêu cực.
Dân ta chẳng mấy ai có dư tiền mua hai, ba chiếc xe để thay đổi. Và vì thế, khi bị mất biển số xe thì giá nào họ cũng “chiều”! Quy định cấm đăng ký xe hai bánh trong 7 quận nội thành Hà Nội đã bị hủy bỏ, vậy Thông tư 01 về quy định 60 ngày cho một biển số xin cấp lại, bao giờ được xóa? Và, câu hỏi vì sao các loại đơn của Phòng CSGT Hà Nội lại giao cho người ngoài ngành bán, cũng như có hay không một đường dây làm biển số xe giá cao trong ngành CSGT Hà Nội vẫn đang cần câu trả lời công khai.
PHẠM THỤC – QUANG TRỌNG
Bài 1: Mất biển số xe “xịn”, mua ở đâu ?