Đòi nợ thuê - Nghề kinh doanh cần siết chặt quản lý
>> Bài 1: Nở rộ dịch vụ đòi nợ thuê
Nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, ngày 14-6-2007 Chính phủ ban hành Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Sau 9 năm kể từ khi nghị định này ra đời, loại hình dịch vụ đòi nợ đã phát triển mạnh. Tuy nhiên, dù có quy định rõ ràng nhưng nhiều công ty đòi nợ thuê vẫn hoạt động trái luật, sử dụng nhân viên là những đối tượng cộm cán trong xã hội, sẵn sàng ra tay gây áp lực đối với con nợ.
Đòi nợ bất chấp đúng sai
Không thể phủ nhận hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của những cá nhân, doanh nghiệp (DN) có nhu cầu thu hồi những khoản nợ khó đòi. Thực tế, có những trường hợp do thiếu chứng cứ pháp lý (các bên vay mượn tiền bằng giấy tay) nên chủ nợ không đủ điều kiện nộp đơn khởi kiện ra tòa. Hoặc nếu đủ chứng cứ thì vụ kiện cũng kéo dài qua hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật lại phải chờ đợi lâu, qua nhiều thủ tục nhiêu khê để được thi hành án, bởi Luật Thi hành án dân sự hiện nay còn quá nhiều hạn chế, bất cập. Chưa kể trong trường hợp khách nợ (xã hội thường gọi là con nợ) né đứng tên tài sản để tránh bị phát mãi trả nợ, cơ quan thi hành án dân sự khó xác minh điều kiện thi hành án; hoặc cố tình chây ỳ, dù có tài sản nhưng cứ nhởn nhơ không trả, thì khoản nợ xem như không mong lấy lại. Trong tâm trạng nóng vội thu hồi nợ, chủ nợ tìm đến các công ty đòi nợ thuê vì hiệu quả cao và thời gian nhanh hơn.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê đã có nhiều biến tướng đáng lo ngại. Bên cạnh một số DN hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và đúng luật, có không ít DN trong lúc đòi nợ thuê đã gây ra nhiều vụ việc bức xúc trong xã hội, dẫn đến câu hỏi: “Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? Lẽ nào cho phép thành lập DN, cấp giấy phép kinh doanh là xong?”.
Đối tượng Huỳnh Gia Thịnh và Lê Ngọc Châu bị bắt để điều tra xử lý pháp luật về hành vi bắt cóc, tra khảo khách nợ
Chính vì chưa thể quản chặt chẽ nên cơ quan quản lý không phát hiện được những DN này đã có nhiều biến tướng và hoạt động vượt quá chức năng, phạm vi quy định của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo Nghị định 104/2007, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp và đã quá hạn thanh toán; không được đòi các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân... Trên thực tế, vì mức phí dịch vụ cao được hưởng mà nhiều công ty đòi nợ thuê bất chấp tất cả để thực hiện hợp đồng đòi nợ, không cần biết thực chất khoản nợ đó là như thế nào.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TPHCM) kể một câu chuyện có thật để minh chứng: Ông A và ông B ký hợp đồng chuyển nhượng một dự án, ông B đã đặt cọc 500 triệu đồng. Đến thời hạn, ông B không thanh toán phần còn lại nên theo thỏa thuận từ trước, ông B xem như mất tiền đặt cọc. Thế nhưng, ông B cho rằng ông A không trả lại 500 triệu đồng có nghĩa là ông A nợ mình, và nhờ một công ty đòi nợ thuê đòi tiền từ ông A.
Để thực hiện “hợp đồng đòi nợ”, công ty đòi nợ đã cử “những nhân viên đòi nợ” với hình xăm đầy mình, hung hăng đến tận nhà riêng của ông A, yêu cầu ông A phải trả tiền cho ông B trong vòng 7 ngày, nếu không thì họ sẽ có “biện pháp hữu hiệu”.
Luật sư Trạch đã tư vấn cho ông A trình báo sự việc đến cơ quan công an. Tại buổi làm việc giữa các bên, công ty đòi nợ thuê mới thừa nhận đây là vụ việc dân sự, nếu có tranh chấp sẽ do tòa án thụ lý giải quyết, không nằm trong nội dung hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Giang hồ núp bóng nhân viên đòi nợ
Nghị định 104/2007 cũng nghiêm cấm các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan. Người lao động trong các DN này ngoài yêu cầu có đầy đủ năng lực hành vi dân sự còn bị buộc phải có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh và không có tiền án.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công ty đòi nợ thuê sẵn sàng dùng các đối tượng có tiền án, tiền sự, thuộc thành phần “xã hội đen” gây áp lực về tinh thần để đòi tiền bằng các hình thức tạt sơn hoặc chất bẩn vào nhà, đe dọa sức khỏe và tính mạng người thân trong gia đình khách nợ; thậm chí cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ khách nợ để buộc phải trả tiền.
Đối với khách nợ đang là chủ DN, các đối tượng này dùng chiêu đánh vào uy tín của DN, như gửi thư thông báo về việc người đó đang nợ tiền đến các đối tác đang kinh doanh với họ, dán băng rôn đòi nợ trên xe đậu trước cửa DN nhiều ngày liền... Vì sự an toàn của bản thân và gia đình, bảo vệ uy tín trong kinh doanh mà nhiều người phải ngậm đắng nuốt cay đưa ra một số tiền không đúng bản chất là trả nợ, hoặc trả nợ với số tiền lãi đi kèm rất cao.
Về việc thu phí, do Nghị định 104/2007 không giới hạn mức phí dịch vụ nên các công ty đòi nợ thuê đưa ra mức phí quá cao. Khi ký hợp đồng pháp lý đòi nợ, chủ nợ phải trả các khoản: phí dịch vụ đòi nợ từ 15% - 50% trên tổng số nợ đòi được, tiền nợ càng cao thì tỷ lệ phần trăm càng thấp, mức phí này thay đổi tùy theo khách nợ ở địa phương nào; phí công tác đòi nợ từ 8 - 50 triệu đồng, khoản nợ càng nhiều thì phí công tác càng cao; phí xác minh đối tượng đòi nợ, trong trường hợp không đòi được nợ thì chủ nợ vẫn phải trả khoản phí này.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động kinh doanh đòi nợ hiện nay, Nhà nước cần đưa ra những biện pháp cụ thể, trọng tâm như xây dựng quy trình ứng xử nghiệp vụ cho hoạt động kinh doanh đòi nợ; quy định trang phục là đồng phục (theo mẫu chung), huy hiệu (logo) để người dân có thể dẫn dàng nhận diện đâu là nhân viên của công ty đòi nợ... Điều quan trọng nhất vẫn là sự quản lý, kiểm tra, giám sát của các đơn vị chức năng, nghiệp vụ đối với loại hình DN nhạy cảm này.
| |
ÁI CHÂN - THU HƯỜNG