Qua phá án các vụ tội phạm ma túy lợi dụng vỏ bọc doanh nghiệp cho thấy, thủ đoạn tội phạm không quá tinh vi. Như trong vụ tội phạm ma túy Trung Quốc thuê xưởng của một doanh nghiệp ngành gỗ tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) để chế biến ma túy mà lực lượng chức năng vừa phát hiện tuần trước, chủ doanh nghiệp này khai rằng, đối tác Trung Quốc lĩnh vực xuất khẩu gỗ đặt vấn đề hợp tác làm ăn, thuê xưởng gỗ để lập phòng thí nghiệm pha chế hóa chất chế tác ván ép, phân hữu cơ. Đối tác yêu cầu doanh nghiệp này quây kín một phần xưởng để họ đặt máy móc, lập phòng thí nghiệm và làm thủ tục bảo lãnh với công an cho những người làm việc tại xưởng. Chỉ đơn giản như vậy, một xưởng bào chế ma túy đá được tổ chức hoạt động ngay bên trong doanh nghiệp gỗ, giống như câu chuyện con ngựa gỗ thành Troia trong truyền thuyết nổi tiếng của Hy Lạp.
Cũng với cách liều lĩnh tương tự, hoạt động tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ đang tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ vận chuyển nhỏ lẻ qua biên giới thông qua các đường mòn, lối mở, mà còn qua những thương vụ xuất nhập khẩu lớn từ châu Mỹ, châu Phi vào Việt Nam. Chúng thường lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi... phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ; dùng vỏ bọc là các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi của Nhà nước Việt Nam trong thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh để trà trộn, cất giấu ma túy vào hàng hóa xuất nhập khẩu, đưa ma túy vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài tiêu thụ.
Bài học từ truyền thuyết con ngựa gỗ thành Troia là không chủ quan đưa con ngựa gỗ đáng ngờ vào thành Troia, và phải kiểm tra thật cẩn trọng để kịp thời phát hiện kẻ địch ẩn nấp trong con ngựa gỗ đó. Bài học đó có giá trị trong việc ngăn ngừa, phát hiện các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Cụ thể là từng doanh nghiệp khi hợp tác, liên kết làm ăn với các đối tác nước ngoài phải có ý thức tuân thủ pháp luật và yêu cầu đối tác tuân thủ pháp luật. Chính quyền các địa phương chú trọng quản lý địa bàn, quản lý người nước ngoài cư trú, hành nghề trái phép.
Để chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm ma túy, ngành Hải quan cần hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Đặc biệt, rà soát khắc phục các hạn chế của hệ thống thông quan tự động. Việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trực tiếp tham gia phối hợp với các nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận, nên tiếp tục tăng cường sự phối hợp này. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, tăng cường công tác nắm tình hình, bám sát địa bàn nhằm phát hiện các đầu mối, đường dây tổ chức, mua bán, vận chuyển ma túy.