Bài học “thổi giá”

Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua là năm thứ 3 pháo hoa được phép đưa ra thị trường để người dân mua về đón mừng năm mới. Thế nhưng năm nay khác hẳn 2 năm trước, người tiêu dùng khá hờ hững với thị trường pháo hoa.

Nguyên nhân là các năm trước, thị trường pháo hoa đã bị đầu nậu thổi giá quá cao, thậm chí gấp 2-3 lần giá của Nhà máy Z121. Mặc dù quy định, chỉ các đại lý mà nhà máy này ủy quyền mới được bán pháo hoa, nhưng trên “chợ mạng” lại tràn ngập, giá lên tới cả triệu đồng mỗi hộp; trong khi các cửa hàng, đại lý lại không có hàng. Bộ Công thương cũng cho biết, một số cửa hàng đã bị rút giấy phép vì bán pháo hoa vượt giá quy định. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đúng tình trạng nhiều cá nhân đã tạo “cơn sốt ảo” để cố tình “thổi giá”.

Hậu quả của nạn “thổi giá” là năm nay, thị trường pháo hoa khá trầm lắng, kể cả trên “chợ mạng”. Theo đại diện Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng), số lượng pháo hoa được Nhà máy Z121 sản xuất cho Tết Giáp Thìn lên tới 6 triệu giàn (hộp), nhưng chỉ tiêu thụ được hơn 1 triệu giàn.

Để tránh tình trạng “thổi giá” nhiễu loạn thị trường, đơn vị sản xuất phải làm tốt công tác giám sát, rút giấy phép những cửa hàng bán giá cao hơn quy định. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên tuân thủ quy định chỉ mua tại cửa hàng được ủy quyền, không mua hàng trôi nổi trên mạng

Không chỉ riêng mặt hàng pháo hoa, với các loại hàng hóa khác cũng vậy, bài học “thổi giá” để trục lợi, đầu cơ ăn xổi sẽ dẫn đến hậu quả thị trường ảm đạm, người tiêu dùng tẩy chay.

Tin cùng chuyên mục