Bài học từ chiếc xe đò bị lũ cuốn

Bài học từ chiếc xe đò bị lũ cuốn

Là khách của rất nhiều chuyến xe đò Bắc – Nam mỗi lần về quê hay đi công tác nên khi báo đài thông tin về chiếc xe đò bị lũ cuốn trôi, 19 người mất tích tôi có cảm giác như mình chính là người trong cuộc. Nguyên nhân của tai nạn kinh hoàng trên có lẽ ai cũng biết, tại ông trời làm lũ lớn. Nhưng cái đáng nói ở đây là sự liều lĩnh của tài xế chuyến xe và sự buông lỏng quá mức của ngành chức năng. Chỉ một chút chủ quan đã để lại hậu quả quá đau lòng,

Khi mọi chuyện đã rồi, lúc này mọi người mới nói giá như thế này, giá như thế kia… Giá như ngành chức năng sớm ngăn chặn không cho chiếc xe này đi vào vùng nguy hiểm, giá như tài xế dừng lại một vài ngày đợi nước rút, giá như mọi người có thể thoát ra khỏi chiếc xe sớm hơn, giá như….

Trục vớt xe khách bị chìm do lũ cuốn.

Trục vớt xe khách bị chìm do lũ cuốn.

Lúc đầu tôi cứ ngỡ xe khách sau khi bị đẩy ra khỏi đường sẽ ngay lập tức chìm theo dòng nước lũ. Nhưng không, 20 phút sau xe mới chìm (theo một số người may mắn thoát chết). Có nghĩa là từ khi xe nổi tới lúc chìm tạm đủ thời gian tối thiểu để cho mọi người trên xe làm được những việc có thể như: dùng búa đập cửa kính thoát ra ngoài và tìm nơi bám trụ chờ cứu. Vậy mà khi tài xế hô mọi người phá cửa kính, những cánh tay giơ lên đập thình thịch nhưng không sao làm vỡ kính. Mãi tới khi tài xế dùng cờ lê đập mạnh vào thì cửa kính mới vỡ, đứng giữa sự sống và cái chết, mọi người đã giành nhau để thoát ra ngoài gây ra cảnh hỗn loạn giẫm đạp lên nhau chưa từng có. Người già, trẻ em, phụ nữ chân yếu tay mềm đã không thể thoát ra khỏi chiếc xe.

Sự việc xảy ra rồi chúng ta mới thấy tiếc, mới thấy cái giá quá lớn, quá đắt, 19 mạng người đổi lấy sự bất cẩn của một vài cá nhân, tổ chức.

Những ai từng đi xe đò, đặc biệt là các loại xe VIP đều biết ngoài cửa lên xuống ở đầu xe thì không còn một cánh cửa nào khác, kể cả cửa sổ. Hai bên thành xe là những tấm kiếng trong suốt và rất dày. Những xe đời mới thì hầu như ở mỗi bên đều có vẽ hình chiếc búa, bên dưới ghi dòng chữ “Búa thoát hiểm”. Ngụ ý của nhà xe là khi xảy ra sự cố hành khách sẽ dùng búa để phá cửa thoát ra ngoài, nhưng ở chỗ gài cây búa thường trống trơn. Nhiều lần tôi đi xe đò và cũng tò mò để ý xem búa nhà xe “giấu” ở đâu nhưng đều không thấy, hỏi thì ngại vì không lẽ xe đang chạy bình thường lại đi hỏi búa thoát hiểm. Khi hành khách lên xe, tài xế, nhà xe cũng không hề dặn dò hành khách về đảm bảo an toàn cũng như hướng dẫn phương án thoát hiểm khi có sự cố. Nếu như được hướng dẫn chu đáo thì chắc gì 19 người mất tích trên chuyến xe đò định mệnh đã phải bỏ mạng theo dòng lũ.

Lâu nay tài xế xe khách đã được nhắc đến nhiều bởi sự liều lĩnh phóng nhanh vượt ẩu dẫn tới những tai nạn kinh hoàng. Chuyến xe khách bị lũ cuốn trôi cùng với 19 người tại Nghệ An vừa qua lại một lần nữa chứng minh sự liều lĩnh ấy. Thiết nghĩ ngành chức năng cần phải có các biện pháp mạnh tay để xử phạt thích đáng các trường hợp này. Trong chuyện này, ngành chức năng cũng có một phần lỗi. Lũ lớn tại các tỉnh miền Trung những ngày qua và mức độ nguy hiểm của nó ai cũng biết, vậy mà chiếc xe khách này có thể đi được từ Nam ra Bắc và chỉ gây tai nạn tại điểm ngập lụt cuối cùng là Nghệ An. Thử hỏi tại các điểm ngập sâu ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh ngành chức năng làm gì mà không có biện pháp ngăn chặn?

Trường hợp đường bị ngập trong phạm vi cho phép có thể cho xe chạy thì ngành chức năng cũng cần phải có phương án định vị làn đường để tài xế có thể nhìn thấy được tâm đường mà chạy. Chính vì không xác định được tâm đường nên tài xế đã không thể điều khiển xe chạy chuẩn xác dẫn đến tình trạng bị lũ cuốn trôi.

Anh Tuấn

Tin cùng chuyên mục