Bộ bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống đang được các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng là một trong những điều kiện quan trọng giúp chủ động phòng ngừa và ứng phó với thiên tai. Ngày 27-7, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
- PV: Thưa Thứ trưởng, công tác xây dựng bộ bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất và nguy cơ lũ quét, lũ ống hiện đã được tiến hành đến đâu và bao giờ những dữ liệu quan trọng này mới phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai?
Thứ trưởng NGUYỄN VĂN ĐỨC: Việc xây dựng bộ bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất được Chính phủ giao cho Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, còn bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, lũ ống thì được giao cho Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Môi trường thuộc Bộ TN-MT.
Về nguy cơ sạt lở đất, thực sự cảnh báo là rất khó, vì hiện tượng này chịu sự tác động của nhiều yếu tố, cả tự nhiên như độ dốc, lượng mưa, kết cấu địa chất… lẫn tác động của con người như nạn chặt phá rừng bừa bãi, hoạt động thi công xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Trên thế giới, ngay cả các nước tiên tiến cũng còn gặp khó khăn trong cảnh báo nguy cơ sạt lở đất.
Về cảnh báo nguy cơ lũ quét, lũ ống, công việc cơ bản đã hoàn thành ở một nửa số địa phương trong số 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Bộ TN-MT đang chỉ đạo việc tổ chức hội thảo ở các địa phương để đánh giá kết quả, độ chính xác của sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi cũng có dự án tiếp tục trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết như rađa, vệ tinh, xây dựng mạng lưới trạm theo dõi thủy văn, trạm đo mưa ở các tỉnh Sơn La, Yên Bái...
Đây là công việc cần tiến hành khẩn trương, nhưng phải thận trọng, cảnh báo sai thì tác hại cũng rất khó lường. Xong phần nào chúng tôi sẽ bàn giao ngay phần đó cho các địa phương sử dụng.
- Dự kiến đến bao giờ thì toàn bộ công trình này được nghiệm thu?
Tôi cho rằng trong năm nay sẽ hoàn tất.
- Sau khi được bàn giao, bộ bản đồ sẽ được sử dụng như thế nào? Đây có phải là một cơ sở để tiến hành quy hoạch lại dân cư ở các tỉnh trong vùng có nguy cơ cao?
Như tôi đã nói, đây là một căn cứ để các địa phương chủ động phòng ngừa và đối phó với thiên tai, trong đó bao gồm cả việc di chuyển dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao. Để giảm thiểu tác hại của thiên tai nói chung hay sạt lở đất và lũ ống, lũ quét nói riêng thì vai trò của các địa phương là đặc biệt quan trọng. Ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó, còn cần phải nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về phòng chống thiên tai. Thay đổi tập quán sinh sống của đồng bào là hết sức khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì, kiên quyết của các cấp chính quyền. Về phần mình, ngành tài nguyên - môi trường đang cố gắng “địa phương hóa” các cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, nghĩa là thông tin trực tiếp và càng cụ thể càng tốt đến các địa phương, các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai.
- Cảm ơn Thứ trưởng.
Anh Phương thực hiện
Miền Nam lại sắp mưa trên diện rộng (SGGP).- Ngày 27-7, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, hiện trên cả nước đang tồn tại các hình thái thời tiết rất khác nhau và diễn biến phức tạp. Trong khi ở khu vực đồng bằng Bắc bộ và suốt các tỉnh miền Trung đang xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng thì ở các tỉnh miền núi phía Bắc, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đang di chuyển dần xuống phía Nam nên nửa đêm về sáng và sáng 28-7 có thể xảy ra mưa to, cần đề phòng nguy cơ sạt lở núi và đất đá. Trong nhiều ngày qua, các tỉnh ven biển Trung bộ đã xảy ra nắng nóng, nhiệt độ lên tới 36-370C và ngày hôm qua, nắng nóng đã lan rộng ra vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ. Trong đó, Hà Nội là nơi có nhiệt độ lên cao nhất: 37-38°C. Còn ở các tỉnh Nam bộ, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, do gió Tây-Nam hoạt động mạnh trong những ngày qua nên đã xảy ra mưa dầm, làm lúa hè-thu của nông dân bị nảy mầm sau thu hoạch, năng suất sụt giảm. Theo nhận định, trong khoảng 2-3 ngày nữa, khu vực Nam bộ tiếp tục có mưa trên diện rộng do gió Tây-Nam mạnh trở lại. Ph.Hậu |