Băn khoăn chất lượng tăng trưởng

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cơ bản thống nhất với nhận định trong báo cáo của Chính phủ là xu hướng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang phục hồi rõ nét. Lý do là tổng cầu chuyển biến tích cực, trong khi công nghiệp và xây dựng phục hồi mạnh mẽ. Biểu hiện dễ thấy nhất là tăng trưởng GDP trong quý 1-2015 đạt khoảng 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cơ bản thống nhất với nhận định trong báo cáo của Chính phủ là xu hướng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang phục hồi rõ nét. Lý do là tổng cầu chuyển biến tích cực, trong khi công nghiệp và xây dựng phục hồi mạnh mẽ. Biểu hiện dễ thấy nhất là tăng trưởng GDP trong quý 1-2015 đạt khoảng 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng tiêu thụ - xuất khẩu nông sản, các mặt hàng mất giá, thủy sản liên tiếp gặp vấn đề trên thị trường thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh đời sống của người nông dân ngày càng khó khăn. Trước đó, trong phiên thảo luận tổ, chính Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận: “Tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 5 vẫn trên đà phát triển từ quý 4-2014, nhưng đã bắt đầu nảy sinh khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ - hai trong 3 trụ cột của nền kinh tế”.

Kinh tế phục hồi rõ nét, nhưng lại có tới hai trong 3 trụ cột của nền kinh tế gặp khó khăn, cho thấy chất lượng của tăng trưởng đang có vấn đề. Trong phiên thảo luận hôm qua, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đã không ngần ngại nói thẳng rằng sự phục hồi của nền kinh tế chưa thật sự bền vững. “Sự phục hồi hiện nay chủ yếu do uống thuốc... khỏe!” - ông Huỳnh Nghĩa phát biểu. Điều này cũng từng được thừa nhận trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội. Theo báo cáo này, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, những khó khăn, đối với phát triển kinh tế còn rất lớn. Tăng trưởng GDP quý 1-2015 đạt khá cao là do đóng góp đáng kể của ngành khai khoáng mà chủ yếu là khai thác dầu thô và than đá; công nghiệp chế biến chế tạo. Do đó, trong các quý tới nếu ngành khai khoáng không duy trì mức tăng như quý 1, thì tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại. Trong khi đó, khu vực dịch vụ chưa có dấu hiệu sáng khi các ngành dịch vụ không kinh doanh hầu như không thể tăng cao hơn; ngoại trừ dư địa tăng trưởng mở ra cho ngành khách sạn nhà hàng, dịch vụ du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ bán lẻ khi mùa du lịch bắt đầu. Mặt khác, với quyết định điều chỉnh tăng 7,5% giá điện và tăng 10% giá xăng dầu sẽ tác động làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), các nỗ lực tái cơ cấu trong nước “đang bị dồn nén”, cùng với việc hội nhập ngày càng sâu rộng, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp... “Nếu không có những giải pháp xử lý căn cơ thì đây có thể là hiểm họa khôn lường” - đại biểu Hà Sỹ Đồng cảnh báo. Vậy vấn đề gì cần được xử lý căn cơ để tăng trưởng thực sự có chất lượng? Trên thực tế, Việt Nam đã tiến hành thực hiện tái cơ cấu kinh tế với 3 trụ cột chính (khu vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng) từ cách đây 4 năm. Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 vừa được tổ chức hồi cuối tháng 4-2015, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dường như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mới được khởi động từ năm 2014. Và như vậy, trên thực tế mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Những căn nguyên sâu xa gây bất ổn vĩ mô, hay mô hình tăng trưởng theo chiều rộng... vẫn chưa được giải quyết. Hiện vẫn đang tồn tại hàng loạt các nút thắt thể chế ngăn cản hoặc làm chậm lại tiến trình cải cách kinh tế đang dang dở ở Việt Nam.

Năm 2015 tăng trưởng của Việt Nam được dự báo là sẽ đạt mức 6,5%, và khi bước qua quý 1 dự báo này càng khả thi hơn với những chỉ báo tích cực. Nhưng vẫn còn đó những vấn đề cần đẩy nhanh tiến độ như tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực đầu tư công, hay quản lý nợ công... Bên cạnh đó, đối với vấn đề “nóng” nhất hiện nay là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cần sự vào cuộc mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn của các bộ ngành có liên quan. Trong đó, phải làm tốt công tác quy hoạch, xác định lợi thế các mặt hàng nông sản để chuyển dịch cơ cấu theo hướng bền vững, nâng cao năng suất. Để làm được điều đó cần tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để giúp chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường, tránh bị ép giá... tránh việc giá bán của người nông dân thì thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao như hiện nay.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với nhiều cơ hội và thách thức, những dấu hiệu tích cực cần được ghi nhận để góp phần củng cố niềm tin vào sự phát triển. Nhưng việc nhìn nhận đúng thực tế, không lạc quan thái quá cũng rất quan trọng, bởi nền kinh tế chỉ có thể bước vào giai đoạn phát triển bền vững khi có những cải cách thực sự về cơ cấu, phân bổ nguồn lực. Nhiều người thống nhất với quan điểm của TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên Báo SGGP ngày 8-6. Đó là năm 2015 không nên lấy mục tiêu tốc độ tăng GDP là 6,2% hay 6,3% như là một chỉ tiêu bắt buộc phải đạt. Điều quan trọng là hết năm 2015 chúng ta có tái cơ cấu xong nền kinh tế không, có đạt được mô hình tăng trưởng mới hay không, để sang năm 2016 mô hình mới đó phát huy tác dụng và đảm bảo từ năm 2016 - 2020 kinh tế sẽ tăng trên 7%/năm.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục