Băn khoăn giá và chất lượng dịch vụ y tế

Bộ Y tế vừa công bố từ năm 2015 giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục tăng do tính thêm chi phí trả lương cho nhân viên y tế. Theo lộ trình, viện phí sẽ tính đúng, tính đủ theo giá thị trường vào năm 2020. Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến về vấn đề này.

Bộ Y tế vừa công bố từ năm 2015 giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục tăng do tính thêm chi phí trả lương cho nhân viên y tế. Theo lộ trình, viện phí sẽ tính đúng, tính đủ theo giá thị trường vào năm 2020. Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến về vấn đề này.

Ngân sách phải trả lương nhân viên y tế

Tôi và nhiều người dân rất băn khoăn khi tiếp nhận thông tin về giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục tăng do tính thêm chi phí trả lương cho nhân viên y tế. Ở các nước, ngân sách do tiền thuế nhân dân đóng góp sẽ dành khoản chi trả lương cho nhân viên y tế, đầu tư xây dựng và trang bị cho bệnh viện. Lẽ nào ở nước ta, bệnh nhân lại phải chịu luôn gánh nặng này, vậy người nghèo bị bệnh sẽ không thể được chăm sóc y tế. Không biết sau khi tăng giá viện phí, chất lượng khám chữa bệnh có tăng, nhất là bệnh nhân có phải chờ đợi, có nằm chung giường bệnh như hiện nay? Sẽ căn cứ vào đâu để các địa phương tự đề ra mức viện phí riêng cho địa phương mình? Nguồn ngân sách dành cho y tế sẽ dùng cho công việc gì khi định mức viện phí mới “tính đúng tính đủ” với người bệnh?

BÙI HIỂN (quận 1, TPHCM)

Khắc phục chảy máu chất xám ngành y

Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế cần đảm bảo những điều kiện về nguồn nhân lực, thuốc và trang thiết bị. Nhưng thực tế hiện tình trạng chảy máu chất xám nguồn nhân lực y tế ở các bệnh viện công ngày một gia tăng do nhiều bác sĩ, dược sĩ, cán bộ y tế có năng lực chuyên môn tốt, vững vàng đã chuyển công tác từ các đơn vị công lập ra làm việc ở các bệnh viện, phòng khám tư, hay những người được tạo điều kiện đi học nhưng sau đó không trở về địa phương để làm việc hoặc chuyển sang ngành khác. Việc chảy máu chất xám trong ngành y không những ảnh hưởng đến hoạt động của các bệnh viện mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân.

Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với sinh viên ngành y và bác sĩ, đòi hỏi phải tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho bệnh viện công, để từ đó có thể đáp ứng tốt môi trường làm việc, góp phần hạn chế hiện tượng chảy máu chất xám ngành y như bấy lâu nay, để nâng chất lượng dịch vụ y tế.

VĂN THY HOÀNG (Phòng GD-ĐT Hội An, Quảng Nam)

Chất lượng phải nâng cao

Khi đặt vấn đề viện phí sẽ tính đúng, tính đủ theo giá thị trường, ngành y tế cần nghĩ đến việc chất lượng dịch vụ y tế cũng phải được nâng cao. Gần đây, có nhiều câu chuyện gây nhức nhối lương tâm của mọi người trong việc hành nghề y, một nghề mà tính mạng của người bệnh được giao phó cho các thầy thuốc nhưng một số “con sâu” đã lạm dụng “quyền hạn” của mình mà gây tác hại cho bệnh nhân như “nhân bản các xét nghiệm máu”, tiêm vaccine chỉ nửa liều cho trẻ, hay tiêm chủng thuốc quá hạn sử dụng, thay đổi chất lượng thuốc rẻ tiền rồi tính giá cao…

Sẽ không sòng phẳng với người bệnh khi ngành y tế chưa chấn chỉnh được những bất cập đó mà lại đòi tính viện phí theo giá thị trường.

NGUYỄN HOÀNG HOA (quận 10, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục