Với tốc độ xây dựng luật như hiện nay, mỗi kỳ họp Quốc hội thông qua trên dưới 10 luật là một cố gắng đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, với tốc độ “sản xuất nhanh, nhiều” như vậy có đôi điều băn khoăn về chất lượng luật ban hành. Với cách tổ chức từ khâu nghiên cứu chính sách, khảo sát thực tế, phân công soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, tổng kết thực tiễn còn quá nhiều bất cập, không tránh khỏi chất lượng của luật ban hành kém, không đi vào cuộc sống. Thí dụ như dự án Luật Công vụ, Ban soạn thảo đã đi “chệch hướng” trong quá trình soạn thảo luật, dân ta có câu “trật một ly đi một dặm”.
Chính vì sự “chệch hướng” này dẫn đến thực trạng sản phẩm không ra luật công vụ cũng không phải là luật cán bộ công chức. Ban soạn thảo tỏ ra khá lúng túng trong việc xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật. Được biết dự thảo được tổ chức lấy ý kiến khá tốn kém, nhưng những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và những nhà quản lý có lẽ không được Ban soạn thảo quan tâm tiếp thu.
Điều này thấy rất rõ sự khá giống nhau giữa các ý kiến phát biểu trong các cuộc hội thảo lấy ý kiến và các buổi thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại hội trường. Không ít luật vừa qua phải bị loại bỏ toàn bộ và được thay thế bằng một luật mới, với nội dung cốt lõi hoàn toàn khác biệt. Trường hợp của Luật Thương mại, Luật Đất đai trong vòng 10 năm phải ba lần sửa đổi và đang lấy ý kiến để sửa đổi tiếp, là một điển hình.
Lâu nay chúng ta nói nhiều đến việc tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động của cơ quan công quyền. Nhưng chúng ta chỉ đề cập đến chỉ tiêu mua sắm mà ít quan tâm đến việc tiết kiệm trong việc soạn thảo luật. Được biết để soạn thảo một luật, Ban soạn thảo tiêu tốn một nguồn tài chính công không phải là nhỏ. Muốn tiết kiệm trong việc soạn thảo luật, Quốc hội nên thực hiện nguyên tắc phân bổ tài chính theo kết quả đầu ra. Có làm như vậy cơ quan được giao soạn thảo sẽ quan tâm hơn đến việc tổ chức thật khoa học công tác soạn thảo, chọn và tập hợp những người có đủ năng lực để giao nhiệm vụ. Ấy là chưa kể cần quan tâm đến khả năng xã hội hóa trong việc soạn thảo luật, chống độc quyền trong công tác soạn thảo luật.
Ở nước ta, chi phí làm luật ngày càng gia tăng do đặc điểm của hệ thống đang vận hành: trong điều kiện cơ quan lập pháp hoạt động không thường xuyên “xuân thu nhị kỳ”, luật rơi vào tình trạng chỉ có những quy định rất chung và cần được cụ thể hóa bằng các nghị định, thông tư của cơ quan hành pháp, thậm chí bằng công văn...
Một khi luật không thể phát huy tác dụng mong đợi, chi phí mà xã hội đổ ra để làm luật trở nên vô ích và đó thực sự lãng phí. Bởi vậy, một cách hợp lý, cần phải nghiêm túc đặt vấn đề bảo đảm hiệu quả của việc đầu tư vào hoạt động xây dựng pháp luật. Một mặt, cần có cơ chế kiểm tra cho phép phát hiện, đình chỉ hoặc tạm hoãn các dự án lập pháp mà tác dụng, mục tiêu không rõ ràng hoặc trùng lắp; mặt khác, có thể cân nhắc về việc quy trách nhiệm những người có liên quan, trong trường hợp luật làm ra mà không thể được thực thi nghiêm chỉnh.
Có một chuyện gần đây cho thấy Ban soạn thảo Luật về thành lập và hoạt động hội đã trình dự thảo không dưới 10 lần và tổ chức khá nhiều hội thảo ở khắp các miền để lấy ý kiến. Tuy nhiên, cho đến nay Luật Thành lập và hoạt động hội vẫn chưa được thông qua. Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật có đứng ra đề nghị được soạn thảo Dự án luật không cần kinh phí nhưng vẫn không có ý kiến phản hồi!?
Cơ quan lập pháp không chuyên trách để cho cơ quan hành pháp soạn thảo luật, luật sẽ là sản phẩm của tình trạng độc quyền, thế liên thông “lập pháp-lập quy” sẽ lộ ra như một điểm bất hợp lý của quy trình làm luật, một khi tình trạng độc quyền bị phá vỡ, cơ quan hành pháp sẽ trở về với chức năng lập quy đích thực của nó. Đó trước hết là quyền quy định thể thức thi hành luật ở góc độ hành pháp: văn bản lập quy thể hiện sự phục tùng của cơ quan hành pháp đối với luật, chứ không phải là điều kiện để luật được áp dụng, tránh được tình trạng nghị định, thông tư, thậm chí công văn có giá trị thi hành cao hơn luật.
Diệp Văn Sơn