Trong năm, ở các địa phương nước ta có rất nhiều lễ hội, trong lễ hội thường có tục phóng sinh. Cho dù phóng sinh để cầu gì chăng nữa, cái gốc của tập tục này là tạo dựng niềm tin con người trong cuộc sống. Có niềm tin để không còn ngại một thế lực siêu nhiên nào đe dọa cuộc sống yêu đời, lạc quan. Có niềm tin để tích cực lao động cống hiến tài lực, vật lực cho đất nước.
Song, có người phóng sinh thì có người tìm bắt sinh vật để phóng sinh. Sinh vật phóng sinh có cả các loài động vật rất cần cho việc cân bằng sinh thái. Khi tới mùa chim én về trên cánh đồng lúa, lại thấy từng nhóm người giăng bẫy bắt chúng. Bắt chim thì sâu rầy có cơ hội sinh sôi phá hại mùa màng, làm mất năng suất sản lượng nông sản. Người mua đâu biết những con chim phóng sinh khi được thả ra không còn sức để bay và chúng dễ dàng bị bắt lại để mua đi, bán lại nhiều lần cho đến chết. Do vậy, thay vì phóng sinh để giải nghiệp, thì người phóng sinh lại tạo thêm nghiệp chướng.
Tôi đã từng dự lễ hội ở nhiều nơi, nơi nào cũng có tục phóng sinh, tức có người săn bắt và mua bán sinh vật phóng sinh. Có nơi chính quyền địa phương thẳng thừng cấm, có nơi không tán thành nhưng cũng lờ đi. Tùy nơi, tùy chỗ mà việc mua bán sinh vật phóng sinh phải lén lút hay lộ liễu.
Ngày xưa ông bà ta nói cứ gặp “chim sa cá lụy” là điềm xui, nên cần phải phóng sinh chúng để tránh khỏi điềm xấu, tạo phúc lành, tức là làm mọi cách để đưa các con vật mắc nạn trở lại môi trường sống. Ý nghĩa của việc phóng sinh thật sâu sắc, vừa khoa học, vừa có ý nghĩa tâm linh, chúng ta nên chấn chỉnh, hoàn thiện tập tục này theo hướng như vậy, đừng nên câu nệ làm việc có tính hình thức mà làm lợi cho những kẻ đang tàn hại môi trường sống của các sinh vật.
MINH ÚT (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)