Chính phủ yêu cầu quán triệt, nâng cao nhận thức về an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới, xem bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, các địa phương và trên toàn quốc. Tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất tập trung, quy mô lớn, quản lý chặt chẽ theo chuỗi giá trị nông sản. Giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, thường xuyên đánh giá nhu cầu lương thực, thực phẩm cả trong nước và trên thế giới để có định hướng, chiến lược phù hợp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án thương hiệu gạo Việt Nam và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo; tổ chức sản xuất lúa gạo theo vùng chuyên canh, phát triển các vùng trọng điểm lúa gạo ổn định ở các địa bàn có lợi thế sản xuất tập trung để đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ.
Cũng theo kế hoạch của Chính phủ, tiếp tục phát triển hệ thống lưu thông lương thực, thực phẩm tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận trong mọi tình huống. Phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực, dự báo về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm để khi cần thiết có giải pháp phân phối, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng, thương mại, hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo; ưu tiên hỗ trợ phát triển hộ trồng lúa thành hộ sản xuất chuyên nghiệp, hợp tác, liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Xây dựng cơ chế phối hợp, quản lý điều hành hoạt động dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu lương thực, thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp. Hoàn thiện cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc, giám sát an toàn thực phẩm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định xuất cấp gần 3.600 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Ngãi để hỗ trợ cứu đói cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ. Thủ tướng cũng quyết định xuất cấp không thu tiền cho Bộ Công an 4 xe đặc chủng, 8 xe cứu thương dã chiến, 10 xe hậu cần phục vụ chiến đấu, 34 tháp đèn chiếu sáng cơ động để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn tại các tỉnh miền Trung.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tiếp nhận số tiền 10 tỷ đồng từ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra. Đến nay, hệ thống mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã tiếp nhận tiền và hiện vật với tổng số trên 350 tỷ đồng. Trong đó, đã phân bổ hơn 325 tỷ đồng gồm tiền và hiện vật đến các tỉnh thành miền Trung và khu vực Tây Nguyên bị thiệt hại do bão, lũ.