Theo thống kê, nước ta có 110 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó chưa đến 1/3 có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. đặc biệt nghiêm trọng một số công ty, xí nghiệp đang ngày đêm tranh thủ xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường khi có cơ hội. Như Công ty Vedan Việt Nam gây ô nhiễm sông Thị Vải, Công ty Nhôm Tung Kuang đầu độc sông Giẽ ở Hải Phòng, Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin hàng năm thải ra hơn 100.000 tấn chất thải nix khiến dân cư trong khu vực phải sống trong môi trường độc hại…
Cùng với rác thải công nghiệp, rác thải trong sinh hoạt xuất hiện khắp nơi: mỗi khi tan ca, công nhân và hàng rong để lại vô số bao nylon, vỏ bánh trái… Giờ tan trường, vỏ kem, giấy rác… đầy trước các cổng trường học. Tương tự, những nơi như công viên, ký túc xá, bệnh viện, nhất là các chợ, bến sông đâu đâu cũng có thể nhìn thấy rác. Rác sinh hoạt ở các khu dân cư đô thị đã gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước, phá hủy cảnh quan, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Vấn đề rác thải đang trở thành hiểm họa đối với đời sống, sức khỏe con người, làm mất mỹ quan đô thị, khu dân cư. Để môi trường sống có chất lượng ngày càng tốt hơn, các bộ, ngành cần xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững, xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để những vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, những người đứng đầu cơ quan, xí nghiệp phải cam kết gắn sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường. Về phía người dân, cần nêu cao ý thức trách nhiệm để góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, thể hiện nếp sống văn minh nhằm nâng cao chất lượng sống và đảm bảo sức khỏe con người.
HOÀNG HƯNG (Quận 12, TPHCM)