Bao giờ hết áp lực thi cử?

Đọc bài biết về câu chuyện “Sức ép vô hình” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 25-4, tôi và nhiều phụ huynh tâm đắc và cảm thấy nỗi niềm có con thi vào lớp 10 năm nay thật nặng trĩu. Cách đây 6 năm, gia đình tôi đã trải qua nỗi lo âu, căng thẳng như thế khi cậu con trai lớn thi tuyển vào lớp 10. Hết cùng con học thêm, ôn thi đến mờ cả mắt, đoán già đoán non môn thi tốt nghiệp THCS, cả nhà lại cùng nhau bàn tính đến đau cả đầu chuyện chọn trường, chọn nguyện vọng 1, 2, 3 thế nào để chắc chắn có được một chỗ học ở trường công lập. 6 năm đã trôi qua cứ tưởng chuyện thi cử được cải tiến, áp lực học hành đã giảm bớt như lãnh đạo ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương hứa… Hóa ra mọi chuyện “vũ như cẩn” và phụ huynh nào có con chuẩn bị tốt nghiệp THCS đều mệt đầu vì những thông tin “úp úp mở mở” về môn thi thứ ba - ngoài 2 môn chính là văn, toán ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Mặc dù Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM chưa duyệt môn nào là môn thi thứ ba nhưng phần đông học sinh và ban giám hiệu các trường đều cho rằng không thể khác các năm trước - môn ngoại ngữ. Thế nên nhiều phụ huynh, nhiều trường đã bắt con em mình ôn tập, học thêm môn ngoại ngữ từ đầu năm học. Tại buổi họp phụ huynh mới đây, thầy chủ nhiệm lớp 9 của con tôi vẫn thản nhiên tư vấn cho phụ huynh cách ghi nguyện vọng dựa trên điểm thi thử của 3 môn toán, văn, ngoại ngữ. Vậy mà theo Báo SGGP thì đến 11-5, ngành Giáo dục - Đào tạo TPHCM mới chính thức công bố môn thi thứ ba. Nghe thông tin này, giáo viên, phụ huynh và học sinh cảm thấy áp lực thi cử đè nặng hơn, lo âu nhiều hơn.

Vậy môn thứ ba nếu không phải ngoại ngữ thì là môn gì, chẳng lẽ là hóa lý, sử, sinh…? Rõ ràng việc tạo ra “bí mật” không đáng có về môn thi tuyển sinh vào lớp 10 tiếp tục “dội bom” đối với học sinh, phụ huynh và nó thể hiện sự lạc điệu về cách làm lẫn tư duy đổi mới, cải tiến thi cử theo hướng đảm bảo chất lượng đầu vào - chọn đúng năng lực học sinh. Cũng xin nhắc lại, đến tận đầu tháng 4, học sinh lớp 9 mới biết rõ 6 môn thi học kỳ hai là gì. Khi ôm một xấp dày đề cương học môn sử về nhà, con tôi nhăn nhó: “Làm sao trong vòng 3 tuần tụi con có thể nhớ hết các sự kiện lịch sử, mốc thời gian chi tiết”.

Vẫn biết môn học nào cũng quan trọng và học sinh phải nắm kiến thức từ đầu năm học nhưng chuyện thi cử, cách ra đề thi theo lối mòn, thiếu khoa học đã bắt cả thầy và trò chịu cực và nhọc. Kết quả là thi xong mấy trò nhớ được những điều đã học về môn lịch sử, bề dày lịch sử hào hùng của Đảng ta? Sao chuyện thi cử cứ mãi làm khổ con trẻ, nhà trường và phụ huynh. Ngoài hành trang kiến thức, học sinh rất cần thời gian để trau dồi thể lực, tinh thần và học thêm kỹ năng sống, đối phó với nhiều vấn đề của xã hội thời @. Vì thế, mong các nhà quản lý giáo dục hãy tìm ra giải pháp phù hợp để giảm áp lực học hành lẫn thi cử cho học sinh cuối cấp lẫn đầu cấp.

khanhtn…@gmail.com

Tin cùng chuyên mục