Bảo vệ hữu hiệu quyền lợi người tiêu dùng

Có thể thấy, hiện nay người tiêu dùng đang “khủng hoảng niềm tin” cả về chính sách cũng như những quy định của pháp luật, cụ thể là đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi lẽ trong thực tế, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011, đến nay đã qua hơn 3 năm thực hiện, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều điểm bất cập, vẫn chưa đi sát vào thực tế của cuộc sống, chưa đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng.

Cụ thể, tại Điều 8 quy định quyền của người tiêu dùng gồm có 8 quyền, trong đó người tiêu dùng có quyền: “Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”. Nhưng trong thực tế hiện nay, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, nhất là quyền được đảm bảo về sức khỏe, tính mạng đã và đang bị vi phạm hầu như khá phổ biến. Người tiêu dùng đã và đang phải luôn đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe, tính mạng của mình khi bỏ tiền ra mua nhầm phải những loại thực phẩm độc hại, thiếu tiêu chuẩn đưa vào cơ thể của mình mỗi ngày.

Đương nhiên ở trường hợp này, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, khởi kiện và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, nhưng trong thực tế rất ít người biết được quyền lợi chính đáng của mình được quy định trong luật. Hoặc cũng có người hiểu biết luật nhưng vì cho rằng giá trị “vật chất” mà hàng hóa, thực phẩm độc hại, thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn… mình mua về sử dụng chẳng đáng giá là bao nhiêu, đi khiếu nại, kiện cáo chỉ thêm mệt mỏi và tốn nhiều thời gian công sức.

Đó là chưa kể, một khi người tiêu dùng khiếu nại đến cùng hoặc khởi kiện vụ việc ra tòa án yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại “ngoài hợp đồng” do mua nhầm phải hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, thiếu tiêu chuẩn, độc hại... nhưng để thụ lý vụ án, tòa án bắt buộc người khởi kiện là người tiêu dùng phải hoàn tất thủ tục đóng án phí theo luật định mới đưa vụ án ra xét xử, điều này cũng vô hình trung làm ảnh hưởng nhiều đến “tâm lý” khởi kiện của người tiêu dùng.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng, tôi cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011. Trong đó cần thiết nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan Quản lý thị trường phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với quyền lợi hợp pháp chính đáng cũng như sức khỏe của người tiêu dùng trong việc kiểm tra, giám sát về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm của hàng hóa, sản phẩm được bày bán công khai.

NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục