Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động

Trong thời gian gần đây, đã xảy ra một số cuộc đình công, ngừng việc tập thể ở các công ty, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động. Phát sinh căng thẳng thường là do người sử dụng lao động thiếu quan tâm giải đáp, xem xét, giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị, khiếu nại của người lao động về chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ nâng bậc lương chưa phù hợp, hoặc thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ tăng ca, làm thêm giờ trái quy định của pháp luật lao động, khiến người lao động bức xúc.

Hiện nay, trong nhiều doanh nghiệp cũng có tổ chức Công đoàn nhưng hoạt động chỉ nặng tính hình thức, chưa thực sự hết mình vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Thế nên những thắc mắc, kiến nghị, khiếu nại của người lao động không được xem xét giải quyết. Do vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc đình công, ngừng việc tập thể xảy ra do tranh chấp lao động trong doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến chính sách lao động như chế độ tiền lương, tiền thưởng phù hợp và hài hòa lợi ích, đảm bảo nguyện vọng chính đáng của người lao động cũng như quy định của pháp luật. Cần nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, nhất là trong việc tham gia, góp ý với người sử dụng lao động khi xây dựng, ký kết các thỏa ước lao động tập thể cũng như tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến các quy định về chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ nâng bậc lương, để phản ánh nguyện vọng cũng như bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động trong doanh nghiệp.

Công đoàn ở các công ty, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về lao động và khiếu nại - tố cáo, xem đây là công tác thường xuyên giúp người lao động nâng cao năng lực vận dụng pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về lao động và khiếu nại - tố cáo.

NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục