Bất an nạn nhồi nhét khách trên tàu tết

Tết nào cũng vậy, sau khi bán hết vé ngồi và nằm trên các toa tàu, ngành đường sắt lại bán tiếp vé ghế phụ. Không ai muốn mua vé ghế phụ cả, dù giá rẻ hơn, nhưng vì không thể mua được vé tàu có chỗ ngồi hay nằm ổn định nên cực chẳng đã mới phải mua vé ghế phụ. Những ai đã từng phải ngồi ghế phụ trên tàu lửa suốt hành trình dài mới thấm nỗi khốn khổ đến mức ám ảnh.

Tết nào cũng vậy, sau khi bán hết vé ngồi và nằm trên các toa tàu, ngành đường sắt lại bán tiếp vé ghế phụ. Không ai muốn mua vé ghế phụ cả, dù giá rẻ hơn, nhưng vì không thể mua được vé tàu có chỗ ngồi hay nằm ổn định nên cực chẳng đã mới phải mua vé ghế phụ. Những ai đã từng phải ngồi ghế phụ trên tàu lửa suốt hành trình dài mới thấm nỗi khốn khổ đến mức ám ảnh.

Ghế phụ chỉ là các ghế nhựa nhỏ được đặt ngay trên lối đi trên tàu. Người ngồi ghế phụ thường xuyên phải đứng dậy để tránh chỗ cho người qua lại. Chuyến tàu tết nào cũng có hàng trăm hành khách trong các toa tàu phải ngồi ghế phụ mệt mỏi, vạ vật vào ban ngày, đến khuya lại nằm ngay xuống lối đi để ngủ, mặc mọi người bước qua lại trên người mình để đi vệ sinh hay lên xuống tàu. Đâu chỉ hành khách đi tàu ghế phụ mệt mỏi trong các chuyến tàu tết, ngay cả những hành khách ngồi ghế chính cũng hết sức khổ sở vì toa tàu nào cũng bị nhà tàu nhồi nhét thêm thật nhiều ghế phụ, khiến trong toa rất ngột ngạt, khó đi lại. Đó là chưa kể lượng hành lý và hàng hóa của hành khách mang theo trong dịp tết rất nhiều, choán hết mọi chỗ trên tàu (dành để khách đi lại, co duỗi người…), gây nên cảnh ngột ngạt và bất tiện.

Lâu nay, các xe khách chở vượt quá số lượng khách sẽ bị CSGT xử phạt để bảo đảm an toàn. Vậy tại sao ngành đường sắt lại được đặc quyền nhồi nhét khách? Đây là việc làm coi thường quyền lợi và cả tính mạng hành khách, không đảm bảo an toàn các chuyến tàu tết. Bao năm qua, đã có rất nhiều phản ánh bức xúc từ hành khách về tình trạng bị ngành đường sắt nhồi nhét khách mỗi dịp tết, nhưng dường như tình trạng này ít được ngành đường sắt quan tâm. Được biết, năm nay, Ga Sài Gòn cũng đã có kế hoạch bán vé ghế phụ trong dịp tết.

Nhu cầu đi lại trong dịp tết của hành khách rất lớn, do đó ngành đường sắt không thể đáp ứng hết và chuyện bán vé ghế phụ cũng dễ được hai bên (bên có nhu cầu bán và bên có nhu cầu mua) chấp nhận. Tuy nhiên, kiểu thỏa thuận này cần phải sớm dẹp bỏ. Rất mong ngành đường sắt trong quá trình tự làm mới mình sẽ quan tâm hơn đến quyền lợi chính đáng của khách hàng, tăng chuyến và tăng thêm các toa tàu để bảo đảm cho hành khách không phải ngồi ghế phụ, và không để những cảnh xô bồ, khốn khổ của hành khách cả ngồi ghế phụ lẫn ghế chính tái diễn trong những chuyến tàu tết năm nay.

LÊ KHANH (quận 11, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục