Ngày 1-4, cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân lần 4 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã không giúp thu hẹp bớt những bất đồng liên quan đến vấn đề an ninh hàng hải tại biển Đông.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung ở Washington
Đi ngược lại cam kết
Tại cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố đây là một cuộc trao đổi thẳng thắn giữa hai bên về nhiều vấn đề, trong đó có biển Đông. Giới chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng những hành động của Trung Quốc ở biển Đông là không phù hợp với cam kết của ông Tập Cận Bình đưa ra với Nhà Trắng vào năm 2015. Lúc đó, ông Tập Cận Bình cam kết không theo đuổi quân sự hóa ở biển Đông.
Đáp lại những quan ngại từ phía Washington, tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình đã có phản ứng không chấp nhận bất kỳ hành động nào của Mỹ được gọi là tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông. Ông Tập Cận Bình còn lên tiếng cảnh báo Tổng thống Obama về việc quân đội Mỹ đã xâm phạm cái mà Trung Quốc tự cho là chủ quyền của nước này ở khu vực biển Đông, tự cho rằng những tranh chấp ở biển Đông nên được giải quyết bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại trực tiếp giữa Trung Quốc và các bên liên quan. Bắc Kinh luôn tôn trọng và giữ an toàn tự do hàng hải cũng như quyền bay của các nước khác ở khu vực biển Đông theo luật pháp quốc tế. Washington hãy đóng vai trò là bên duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Sau tuyên bố của ông Tập Cận Bình, các nhà quan sát nhận định, Bắc Kinh đã thể hiện rõ thái độ sẽ không có thay đổi nào trong chính sách muốn quân sự hóa ở khu vực biển Đông. Theo AP, trước thềm diễn ra cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung, Washington tuyên bố tiếp tục tăng cường cho tàu hải quân thực hiện tuần tra hàng hải ở biển Đông trong thời gian sắp tới. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Colin Willett cho rằng, những đường băng do Trung Quốc thiết kế nhằm phục vụ cho máy bay ném bom chiến lược, chứ không phải máy bay vận tải dùng để cứu trợ nhân đạo. Mỹ luôn chứng kiến cảnh quân đội Trung Quốc dùng điện đàm thách thức, xua đuổi các tàu và máy bay nước ngoài đang hoạt động trên biển Đông.
Indonesia điều máy bay
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết, sẽ điều các máy bay chiến đấu đến quần đảo Natuna để “chống trộm”. Quân đội Indonesia cũng sẽ triển khai các lực lượng thủy quân lục chiến, các đơn vị không quân đặc biệt, một tiểu đoàn quân sự, ba tàu khu trục nhỏ, một hệ thống radar mới và các máy bay không người lái đến Natuna.
Trong ngày 19-3, Indonesia cố bắt một tàu Trung Quốc mà họ cho là đánh bắt trái phép ở vùng biển gần quần đảo Natuna, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia nhưng tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm va để ngăn Indonesia kéo tàu cá trên đi. Phản ứng trước thái độ của Indonesia, Bắc Kinh cho rằng tàu cá đang hoạt động ở ngư trường truyền thống của Trung Quốc. Ngày 1-4, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia, bà Susi Pudjiastuti kêu gọi Trung Quốc giao lại tàu cá trên. Bà Susi Pudjiastuti tuyên bố với vai trò là một nước lớn, Trung Quốc không nên có hành động ức hiếp các nước nhỏ.
Theo giới phân tích, việc triển khai máy bay chiến đấu F-16 cho thấy mức độ lo ngại của Indonesia với vấn đề tranh chấp lãnh hải trên biển Đông. Indonesia không tham gia tranh chấp nhưng luôn tiềm ẩn xung đột với Trung Quốc quanh việc tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt gần quần đảo Natuna. Phản ứng quyết liệt của Indonesia có khả năng là bước ngoặt trong ứng xử của Jakarta trước thái độ ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông.
THANH HẰNG (tổng hợp)