Báo SGGP số ra ngày 31-7-2014 có bài “Nguy hiểm xe khách thay đổi thiết kế”, nêu việc nhiều nhà xe đã tự ý thay đổi thiết kế để tăng lợi nhuận, khiến hành khách phải đối mặt nguy hiểm. Nhận thấy đây là vấn đề rất đáng quan tâm, tôi xin nêu ý kiến phân tích thêm về việc này.
Từ nhu cầu lớn về xe giường đáp ứng nhu cầu hành khách đi tuyến đường xa, trong khi số lượng xe khách giường nằm còn hạn chế, giá đầu tư cao, nên nhiều nhà xe cải tạo xe ghế thành xe giường nằm để giảm bớt chi phí đầu tư. Việc này đã gây ra nhiều bất cập về kỹ thuật, mất an toàn, không đảm bảo tiện nghi cho hành khách, nhưng thực tế các xe loại này vẫn đang được lưu thông. Xe ghế và xe giường nằm đều có dàn gầm giống nhau, nhưng được các nhà sản xuất thiết kế theo những yêu cầu kỹ thuật khác nhau. Khi chuyển xe ghế thành xe giường nằm, do muốn giảm chi phí, đa số các nhà xe đều không muốn thay đổi thiết kế quá nhiều để thành một xe giường nằm đúng quy chuẩn kỹ thuật và công nghệ. Đơn giản chỉ thay ghế bằng giường nằm, hạ hầm hàng thấp hơn và tranh thủ tăng thêm số lượng giường, có khi lên đến 50 chỗ, bằng cách lắp ghép thêm các hàng giường trên hành lang phía sau, trong khi xe giường nằm thường chỉ có 40 - 43 chỗ.
Về mặt công nghệ, xe giường nằm được thiết kế với những mối liên kết chặt chẽ, chắc chắn giữa thân xe, sàn xe, hầm hàng, giường nằm và các liên kết khác thành một khối thống nhất. Trong khi xe ghế chuyển thành xe giường chỉ là sự chắp nối thêm bớt nên không thể đảm bảo độ liên kết và sức bền cao. Mặt khác, xe ghế khi chuyển đổi đều do các cơ sở sửa chữa ô tô thực hiện, nên có thể không đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, vì không đảm bảo các điều kiện thiết bị và công nghệ. Theo khảo sát, những xe ghế đóng cải tạo thành xe giường nằm không được trang bị hệ thống phanh điện từ trên trục truyền lực nhằm hỗ trợ cho phanh chính, nên khi xe phải hoạt động liên tục hoặc lên xuống đèo dốc quanh co thì phanh chính dễ bị mất tác dụng hoặc thậm chí làm nóng cháy phanh, có thể gây cháy xe.
Do những liên kết chắp nối và công nghệ sửa chữa, dễ dàng tạo ra sự yếu kém về sức bền, gây mất ổn định và an toàn khi xe chạy ở đường quanh co, đèo dốc hay chạy ở tốc độ cao, đường xấu, có thể xảy ra sự cố không thể khắc phục được, mất tính an toàn chủ động và an toàn bị động, đưa đến thảm họa tai nạn giao thông. Nhất là đối với hành khách nằm ở các giường tầng trên dễ bị rung lắc và không đảm bảo an toàn. Về mặt tiện nghi, sự di chuyển trong xe ghế cải tạo thành xe giường rất khó khăn, do chật chội và độ cao lọt lòng thấp. Trang bị phụ như dây đai an toàn, bình chữa cháy, rìu phá cửa khi có tai nạn và những tiện nghi khác như tủ lạnh, buồng vệ sinh… trong xe ghế hầu như không có (để giảm giá thành đóng lên xe giường) nên không đảm bảo tính an toàn cho hành khách.
Tuy Bộ GTVT đã có quy định cấm việc cải tạo xe ghế thành xe giường nằm và đã có quy định siết chặt về kiểm định xe cơ giới đường bộ, thế nhưng vẫn có hàng ngàn xe ghế được cải tạo thành xe giường nằm tồn tại. Bộ GTVT nên có những quy định chặt chẽ hơn để tránh việc các xe ghế đã chuyển thành xe giường nằm được đăng kiểm ở các địa phương khác để hoạt động. Tốt nhất để đảm bảo an toàn cho hành khách, nên buộc những xe giường không đúng quy chuẩn phải quay trở lại thành xe ghế như nguyên trạng để đảm bảo an toàn trong lưu thông.
PGS-TS PHẠM XUÂN MAI
(Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải)