Bị động và phản khoa học

Ngày 4-5, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7) đã huy động hơn 500 học sinh (HS) khối lớp 4 và lớp 5 tập trung tại sân trường để làm bài kiểm tra. Mỗi em cầm theo một chiếc ghế nhựa nhỏ đặt ngay trước mặt để thay bàn, đồng thời trải một tấm bìa mỏng, lót ngồi bệt ngay tại chỗ để làm bài. Mỗi em ngồi cách nhau khoảng 2m để tránh… coi bài nhau (!). Thời gian làm bài kiểm tra (bằng hình thức trắc nghiệm) kéo dài khoảng 40 phút.

Ngày 4-5, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7) đã huy động hơn 500 học sinh (HS) khối lớp 4 và lớp 5 tập trung tại sân trường để làm bài kiểm tra. Mỗi em cầm theo một chiếc ghế nhựa nhỏ đặt ngay trước mặt để thay bàn, đồng thời trải một tấm bìa mỏng, lót ngồi bệt ngay tại chỗ để làm bài. Mỗi em ngồi cách nhau khoảng 2m để tránh… coi bài nhau (!). Thời gian làm bài kiểm tra (bằng hình thức trắc nghiệm) kéo dài khoảng 40 phút.

Theo một cán bộ của Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, “hình thức tổ chức các kỳ thi quan trọng tại sân trường nhằm chống gian lận trong thi cử từng được một trường trung học tại tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc thực hiện”… Đây là một “hình thức mới” mà Trường Tiểu học Lương Thế Vinh là đơn vị tổ chức đầu tiên (Báo Tuổi trẻ, 5-5-2012).

Theo tôi, cách nhà trường tổ chức cho HS làm bài kiểm tra như trên vừa bị động, lại phản khoa học. Phản khoa học ở chỗ, bắt các em HS mới 9-10 tuổi (lớp 4-5) phải gò lưng, ngồi bệt xuống đất, phơi nắng cả tiếng đồng hồ dưới sân trường để làm bài kiểm tra… Cảnh tượng ấy rất phản giáo dục, không có tính sư phạm chút nào!

Còn nếu vì mục đích “chống gian lận trong thi cử” (hạn chế việc coi bài nhau), chứng tỏ sự bị động, bất lực của nhà trường trong việc tổ chức thi, kiểm tra bình thường tại lớp nên mới phải dùng đến “hạ sách” này!

Tóm lại, để nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta có thể nghiên cứu, học tập, vận dụng những kinh nghiệm, cách làm hay của các nước về phương pháp dạy và học, cách thức kiểm tra, thi cử… Tuy nhiên, không nên “bê nguyên xi” những cách làm “lạ nhưng không hay” - thậm chí là dở - của thiên hạ để đem về áp dụng thiếu chọn lọc, coi chừng “lợi bất cập hại”, HS chúng ta sẽ phải tiếp tục trả giá vì sai lầm của những người có trách nhiệm.

Phan Trọng Hiền

Tin cùng chuyên mục