Ở Việt Nam, hầu như ai cũng biết 113 là số gọi cảnh sát, 114 là cứu hỏa, 115 là cấp cứu... nhưng trong thực tế, khi gặp trường hợp khẩn cấp thì mọi người thường lúng túng, không biết gọi đi đâu cho chính xác và hiệu quả.
Ví dụ như đám tang một nhà hàng xóm, có nhóm “gay” hát phục vụ với 2 cái loa công suất như… đại nhạc hội đến tận 3 giờ sáng, nếu ai phàn nàn thì bị đập bể cửa kính, lúc ấy người dân biết gọi ai? Số 114 thì không đúng rồi, 113 thì việc này quá “tầm thường”, chưa đúng với chức năng. Công an phường sở tại mới chính là nơi cần liên hệ, nhưng nhiều người lại quên lưu số điện thoại này.
Nếu một chị hàng xóm bị chồng đánh, chúng tôi phải liên lạc với công an phường và hội phụ nữ địa phương, nhưng đến lúc tìm được số điện thoại thì chuyện đã rồi. Hơn nữa, mấy ông chồng vũ phu lúc lên cơn đâu có sợ mấy cô, mấy bà chân yếu tay mềm của hội phụ nữ.
Một cháu bé bị đối xử tệ bạc, thông thường người dân chỉ biết kêu báo chí vì chỉ có cách này là nhanh nhất. Và thường là khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng mới thực sự vào cuộc.
Đi đường, thấy tai nạn giao thông, mọi người xúm quanh bàn tán, chỉ trỏ mà không biết kêu ai, gọi được số cấp cứu thì còn lâu mới tới. Đến chừng một chiếc taxi tốt bụng chở bệnh nhân tới bệnh viện thì đã nguy kịch, có khi còn làm cho tình trạng chấn thương nặng thêm do chuyên chở bệnh nhân không đúng cách.
Đã đến lúc tập trung những số điện thoại này về một mối và có trung tâm xử lý thông tin để người dân dễ nhớ và tiện sử dụng giống như số 911 ở Hoa Kỳ. Và dĩ nhiên khi người dân kêu cứu thì cơ quan chức năng cần đến ngay để can thiệp, chứ đừng “chậm như rùa” thì mọi chuyện sẽ nguy nan hơn!
Nguyễn Thanh Vũ
(17 Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM)