Bình Dương nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu

Trong bối cảnh hoạt động kinh tế trong nước đang có dấu hiệu phục hồi từ cuối quý 3-2023, các ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương như sản xuất, chế biến gỗ, da giày, may mặc… đang nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu, nhất là ở các thị trường truyền thống.

Tiêu biểu nhất là ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ, hiện đang chiếm gần 18% tỷ trọng xuất khẩu của cả tỉnh. Là một trong những doanh nghiệp đang trên đà phục hồi, Công ty CP Lâm Việt (TP Tân Uyên) đã nhận được các đơn hàng từ khách hàng nước ngoài, phục vụ cho dịp Noel và năm mới 2024.

Ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc công ty, chia sẻ: “Hoạt động của công ty khá hơn, do các sản phẩm gỗ nội thất đã kết nối lại được với một số thị trường truyền thống là Mỹ, Liên minh châu Âu, cùng với việc săn tìm thị trường mới, đã giúp chúng tôi có thêm đơn hàng để xuất khẩu vào dịp cuối năm 2023”.

Công nhân Công ty gỗ Minh Phát (TP Thuận An) sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu
Công nhân Công ty gỗ Minh Phát (TP Thuận An) sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu

Có thể thấy, chưa khi nào các doanh nghiệp lại năng động tìm kiếm thị trường như thời gian qua, bằng cả hình thức trực tiếp, trực tuyến. Các hội chợ đồ gỗ gần đây diễn ra ở Dubai, Indonesia, đặc biệt là hội chợ High Point Market 2023 (diễn ra ngày 15-10-2023) tại Mỹ sẽ có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia với tâm thế nhận cả những đơn hàng nhỏ lẻ để tạo nguồn, chờ thị trường khởi sắc trở lại.

Theo báo cáo mới nhất, trong 9 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu ngành gỗ Bình Dương ước đạt gần 4 tỷ USD. Dù mới bằng 84,4% so với cùng kỳ 2022, nhưng từ tháng 10-2023, các đơn hàng được ký kết bắt đầu triển khai, dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ cải thiện.

Hàng dệt may cũng thuộc nhóm có giá trị xuất khẩu lớn của tỉnh Bình Dương cũng đang trở lại đà tăng trưởng khi một số khách hàng truyền thống đặt hàng sản xuất mới, nhiều đơn hàng có số lượng lớn.

Trong 9 tháng năm nay, các doanh nghiệp trong ngành trên địa bàn ước thực hiện gần 2,2 tỷ USD, bằng 94,4% so với cùng kỳ ở nhóm khách hàng lớn thuộc khối Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Ngành da giày vẫn đang đối mặt các khó khăn về thị trường, nhưng hiện đã có một số đơn hàng lớn và phải tuyển dụng gấp lao động để kịp thời sản xuất.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho rằng, nước ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế có độ mở, nên chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường quốc tế.

Đến nay, các khó khăn do bất ổn của tình hình thế giới vẫn đang tác động sâu rộng, nhưng với nỗ lực kết nối lại các khách hàng truyền thống, một số doanh nghiệp đã có những đơn hàng lớn và rục rịch tuyển dụng lao động với số lượng cả ngàn người - là một tín hiệu vui trong bối cảnh kinh tế các nước trong khu vực còn đang khá ảm đạm.

Công nhân Công ty Earth Coporarion Việt Nam tất bật hoàn thành các đơn hàng cuối năm 2023

Công nhân Công ty Earth Coporarion Việt Nam tất bật hoàn thành các đơn hàng cuối năm 2023

Tại các khu công nghiệp như Đồng An, VSIP (TP Thuận An), Sóng Thần (TP Dĩ An), nhiều doanh nghiệp đã treo bảng tuyển dụng, thậm chí xuất hiện cảnh phòng nhân sự ra tận cổng để sớm tuyển được lao động, với mức thu nhập từ 7-15 triệu đồng/tháng/người. Điển hình như Công ty CP may mặc Leading Star Việt Nam cần tuyển 1.000 công nhân may, kiểm hàng, ưu tiên có kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, tính chung toàn tỉnh, trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 23,2 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD, nhưng cán cân thương mại vẫn xuất siêu 7 tỷ USD.

Hiện ngành công thương đã tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ xuất nhập khẩu, tiếp tục phát huy vai trò kết nối với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục