Bỏ quy định yêu cầu đặt máy chủ ở Việt Nam

Ngày 10-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 20, phiên họp đầu tiên của năm 2018. Trong phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng. Về nội dung này, các ý kiến đều tập trung vào quy định liên quan đến yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều trong dự án Luật An ninh mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt cho biết, qua thẩm tra nội dung quy định về quản lý an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam (khoản 4 Điều 34), một số ý kiến không nhất trí với quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp. 

“Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đã lược bỏ quy định “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam” và chỉnh lý khoản 4 Điều 34 như khoản 4 Điều 27 dự thảo luật đã thể hiện. Tuy nhiên, đây là nội dung nhạy cảm, có liên quan đến QPAN, kinh tế - xã hội và ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định trong luật này”, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt bày tỏ băn khoăn. 

Giải thích thêm về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, xu hướng chung của thế giới là siết chặt quản lý đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng. Bộ trưởng Lâm nói: “Vấn đề chính không phải là đặt máy chủ, mà hiểu nôm na là chúng ta phải quản lý được thông tin người sử dụng ở Việt Nam, thông tin tạo ra tại Việt Nam, liên quan đến Việt Nam. Đó là những tài nguyên quan trọng của quốc gia”. Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cũng chia sẻ quan điểm của Bộ Công an về yêu cầu buộc các nhà mạng lưu trữ thông tin trong một thời gian nhất định để khi cần cơ quan điều tra phải truy được dấu vết, trích xuất được thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tháng 8 vừa qua, Đại sứ các nước Mỹ, Canada, Australia và Trưởng phái đoàn EU, các Đại sứ EU đã có thư gửi Chủ tịch Quốc hội bày tỏ “ủng hộ nhiều nội dung của dự luật để bảo đảm một nền an ninh quốc gia không bị đe dọa”. Tuy nhiên, “có một số nội dung e rằng vi phạm cam kết quốc tế”, đặc biệt là điều khoản yêu cầu đặt máy chủ ở Việt Nam. 

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý khoản 4 Điều 27; trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. 

Sáng cùng ngày, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN). Sau khi nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận, UBTVQH quyết định không ban hành nghị quyết về vấn đề này như KTNN đã trình. UBTVQH đề nghị KTNN tập hợp các vấn đề lớn để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật KTNN theo quy trình tại một kỳ họp vào năm 2019. Cũng trong phiên họp buổi sáng, UBTVQH đã bàn việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ NN-PTNT quản lý đối với dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Không thể chặn hoàn toàn việc phát tán bí mật ra nước ngoài

Được hỏi về việc “đặt máy chủ, quản lý thông tin người dùng có thể ngăn chặn được việc phát tán bí mật ở trong nước ra nước ngoài và thông tin độc hại từ nước ngoài vào Việt Nam không”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thẳng thắn đáp: “Xin trả lời ngay là không”! Bộ trưởng Tô Lâm lý giải thêm, việc cung cấp bí mật ra nước ngoài là hành vi bị cấm, nhưng kể cả không có Internet, người ta vẫn cứ đưa ra nước ngoài. Nếu đặt ra nhiệm vụ đó cho luật này thì quá cao và không thể thực hiện được. Vấn đề là phải có pháp lý, pháp luật để ngăn chặn những người cố tình vi phạm. Nhưng nếu không có dữ liệu trong nước thì không có cơ sở nào để tìm. Bí mật Nhà nước có được chuyển ra nước ngoài không, ai chuyển, chúng ta cũng không biết. Những đối tượng nào tuyên truyền vào trong nước cũng không biết và không có cách nào để xử lý. Căn nguyên là truy tìm ra nguồn gốc, phương thức, đối tượng làm việc này, chứ không phải luật này đưa ra thì không có bí mật lọt ra nước ngoài hay thông tin xấu độc không tràn vào.

Tin cùng chuyên mục