Bồi thường nếu sử dụng tài sản công gây thiệt hại cho Nhà nước
Với 93,69% tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Quản lý tài sản công.
Trước đó, giải trình về vấn đề tiếp nhận sử dụng ô tô, tài sản do biếu, tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hàng năm Chính phủ tiếp nhận nhiều tài sản từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dưới hình thức trao tặng, ủng hộ, viện trợ, như: hệ thống nước sạch nông thôn, ô tô chuyên dụng, thiết bị y tế, thuốc men, thiết bị giáo dục… Việc nghiêm cấm hành vi nhận tài sản để tránh các tiêu cực trong việc nhận tài sản thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.
Luật này quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản công, do đó, chỉ nghiêm cấm các hành vi sử dụng tài sản công (sau khi được xác lập quyền sở hữu toàn dân) không đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ và quy định những nguyên tắc để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, sử dụng.
Tiếp thu ý kiến của ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các nội dung trên. Theo đó, chỉ quy định các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc xác định mức độ thiệt hại và lỗi của cơ quan, cá nhân gây thiệt hại tài sản công do cố ý hay vô ý và có lỗi hay không có lỗi sẽ được pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.
Chặt chẽ việc liên doanh, liên kết
Về vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đang nghiên cứu, xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trình hội nghị Trung ương.
Do đó, nếu luật này quy định chi tiết các nội dung về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và phân định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập có thể không phù hợp với loại hình, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi được sửa đổi theo chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý nội dung này theo hướng giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định về sử dụng số tiền còn lại sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước và bỏ điều quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.
Theo luật, việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu: không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao; sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị…