Bồi thường thiệt hại do oan sai

Những ngày gần đây, dư luận xã hội quan tâm về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan suốt 10 năm. Qua vụ việc này, nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó nhiều bạn đọc nêu thắc mắc về trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong trường hợp có sai sót từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng.

Những ngày gần đây, dư luận xã hội quan tâm về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan suốt 10 năm. Qua vụ việc này, nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó nhiều bạn đọc nêu thắc mắc về trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong trường hợp có sai sót từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngày 26-3-2004, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Ngày 26 và 27-7-2004, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, đã bác đơn kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, nên ông Chấn phải chấp hành hình phạt tù chung thân. Ngày 6-11-2013, tức sau 10 năm ông Chấn chấp hành bản án, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã xem xét lại vụ án theo thủ tục tái thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tối cao và tuyên hủy bản án phúc thẩm đã tuyên đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Dựa vào phán quyết này, không thể vội vàng kết luận ông Chấn có phạm tội hay không, bởi lẽ theo khoản 1 Điều 300 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu hội đồng tái thẩm quyết định hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại, thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện KSND có thẩm quyền, để điều tra lại theo thủ tục chung. Việc xác định ông Chấn có bị oan hay không, còn phải trải qua nhiều giai đoạn tố tụng nữa. Tuy nhiên, nếu xác định ông Chấn bị oan thì nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho khoảng thời gian ông Chấn phải ngồi tù.

Căn cứ khoản 1 Điều 4 và khoản 2 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009, người đang chấp hành hình phạt tù chung thân mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không thực hiện hành vi phạm tội, có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thời hiệu để yêu cầu bồi thường là 2 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường. Trách nhiệm bồi thường thuộc về Tòa Phúc thẩm TAND tối cao, bởi lẽ Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng tòa án xét xử theo thủ tục tái thẩm hủy bản án phúc thẩm để điều tra lại, mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội.

Thiệt hại ở đây bao gồm thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần và thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe. Đối với thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, phải căn cứ vào loại thu nhập của ông Chấn trước khi bị bắt để xác định mức bồi thường. Đáng lưu ý nhất là thiệt hại về tinh thần mà ông Chấn phải gánh chịu trong suốt 10 năm. Dân gian có câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Trong thời gian bị giam giữ, ông Chấn phải chịu nhiều áp lực về mặt tâm lý, bị ép cung. Vì vậy, thiệt hại về tinh thần vô cùng lớn, chưa kể đến việc ông Chấn phải gặp nhiều khó khăn để thích nghi lại với cuộc sống hiện tại. Theo khoản 2 Điều 47 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp chấp hành hình phạt tù được xác định là 3 ngày lương tối thiểu cho một ngày chấp hành hình phạt tù. Hiện nay, mức lương tối thiểu là 1.150.000 đồng/tháng, tức tương ứng với mỗi ngày bị giam ông Chấn sẽ được bồi thường 115.000 đồng.

Để được bồi thường thiệt hại, người bị tù oan sai phải gửi đơn yêu cầu đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường, cụ thể là Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội. Đơn yêu cầu bồi thường có các nội dung chính như họ và tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường thiệt hại; lý do yêu cầu bồi thường; thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường. Kèm theo đơn yêu cầu bồi thường, phải có bản án, quyết định xác định người đó thuộc một trong các trường hợp được bồi thường, và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, người bị oan sai còn có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản về việc khôi phục danh dự của người bị thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý vụ việc phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai.

LS NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục