Bóng đá cũng phải có tinh thần khởi nghiệp

Chuyến viếng thăm của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino hoàn toàn không phải là tình cờ. Lý do để người đứng đầu tổ chức thể thao quyền lực nhất thế giới đến Việt Nam chắc chắn xuất phát từ kỳ tích của U.23 Việt Nam tại giải châu Á vừa qua. 
Nhưng sâu xa hơn, ông Infantino sang Việt Nam để tận mắt chứng kiến một trong những hình mẫu đặc biệt về một quốc gia đang phát triển bóng đá.

Trước ông Infantino, cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã đến Việt Nam 2 lần. Lần đầu vào năm 2001 trước khi phê chuẩn “Dự án Goal” với mức tài trợ 1 triệu USD mà không phải thành viên FIFA nào cũng được chọn. Năm 2008, đích thân ông Blatter tham dự lễ khánh thành Trung tâm bóng đá trẻ của VFF vốn hình thành trên số tiền tài trợ của FIFA. Và 10 năm sau, những thành quả từ “Dự án Goal” đã mang lại là các đội tuyển U.20, futsal dự World Cup và U.23 trở thành á quân châu Á.

Trong tất cả các thành viên tham gia “Dự án Goal” của FIFA, Việt Nam là quốc gia có kết quả rõ ràng và thành công nhất. Từ chỗ chỉ là một dự án chủ yếu phục vụ cho công tác xây dựng nền tảng cơ bản cho các quốc gia còn yếu kém về bóng đá, tại Việt Nam, dự án này đã đạt thành tựu vượt bậc với các thành tích về thi đấu đỉnh cao trong một thời gian không dài. Chính vì vậy, sự có mặt của ông Infantino kỳ vọng mang đến cho bóng đá Việt Nam một cơ hội lớn hơn nhiều so với những gì mà FIFA đã hỗ trợ trước đó. 
Đầu tiên, theo cam kết của FIFA trong buổi gặp của ông Infantino với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bóng đá Việt Nam có thể sẽ được tham gia “Dự án FIFA Forward” vốn dành cho các nền bóng đá đang phát triển với những hỗ trợ chuyên môn ở trình độ cao nhằm mục tiêu giúp Việt Nam vươn đến tầm cao mới. Kế đến, FIFA cũng để ngỏ khả năng Việt Nam có thể đăng cai World Cup, một sự kiện mà các quốc gia muốn tham gia cần đáp ứng cùng lúc yếu tố tài chính lẫn chuyên môn.

Nếu nhìn ở góc độ phát triển, việc được người đứng đầu FIFA ghé thăm quả là một cơ hội để bóng đá Việt Nam “nghĩ lớn”. Chúng ta đã tạo được ấn tượng tốt với bạn bè thế giới bằng các kết quả thi đấu gần đây. Sự gợi mở của Chủ tịch FIFA Infantino cũng phù hợp với định hướng phát triển trong “Chiến lược 2020 và tầm nhìn 2030” mà Chính phủ đã phê duyệt cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, khác với các “Dự án Goal” của FIFA hay “Tầm nhìn châu Á” của AFC mà Việt Nam đã triển khai, chủ yếu là sử dụng nguồn vốn tài trợ cho hiệu quả, thì những giúp đỡ sắp đến từ FIFA hay AFC lại đặt ra các yêu cầu lớn hơn nhiều về mặt trình độ cũng như nguồn nhân lực. Ví dụ như chương trình FIFA Forward tài trợ gần 1,6 triệu USD mỗi năm để các thành viên FIFA phát triển hệ thống sân bãi, các giải đấu cũng như thể chế quản lý chuyên nghiệp để nâng cao tầm nhìn. Muốn được tham gia dự án này, bóng đá Việt Nam cần phải cải tổ hệ thống tổ chức V-League và cả bộ máy liên đoàn hiện tại. Trong khi trên thực tế, đây lại là vấn đề đau đầu nhất hiện nay, bất chấp những thành công của bóng đá trẻ. 

Nói cách khác, không giống như những lần nhận tài trợ trước đây, lần này bóng đá Việt Nam cần phải hành động một cách thiết thực, hiệu quả hơn để tìm kiếm nguồn đầu tư từ FIFA. Nếu ông Sepp Blatter đến Việt Nam trước đây là để giúp đỡ thì lần này, ông Infantino lại đến để đánh giá năng lực của bóng đá Việt Nam trước khi “rót vốn” cả về tiền lẫn chuyên gia. Nói một cách hình ảnh thì bóng đá Việt Nam cũng phải chuẩn bị một tinh thần khởi nghiệp để thuyết phục các nhà đầu tư.

Bài toán đó cũng cam go và quan trọng như việc làm sao để biến thành công từ U.23 Việt Nam vừa qua thành động lực nâng tầm nền bóng đá nước nhà trong tương lai gần. 

Tin cùng chuyên mục