Brunei chuyển mình

Bóng chiều đã đổ dài nhưng tàu chở khách vẫn xuôi dòng trên sông Bandar Seri Begawan ở thủ đô Brunei. Đi qua những căn nhà gỗ, những mái vòm vàng lấp lánh và cung điện Nurul Iman khổng lồ trên bờ, tàu đến khu rừng ngập mặn, một điểm du lịch hấp dẫn.
Du khách tham quan rừng ngập mặn ở Brunei ​
Du khách tham quan rừng ngập mặn ở Brunei ​

Cách đây hàng thập kỷ, trước khi danh sách những người giàu nhất thế giới bị thống trị bởi các hãng công nghệ khổng lồ Amazon, Facebook, Microsoft và Oracle, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah là một trong số những người giàu có nhất. Nhưng giờ đây, khi giá dầu chỉ còn trên 60USD/thùng sau khi đã có lúc lên 100USD, Brunei bắt đầu tìm kiếm những nguồn khác để tăng thu nhập.

Vì là quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi giáo và đã áp dụng luật Hồi giáo nghiêm khắc từ năm 2014 nên Brunei không phải là quốc gia để du khách tiệc tùng, mua sắm và giải trí. Ngay cả việc bán rượu và hút thuốc ở nơi công cộng cũng bị cấm. Có những trung tâm mua sắm trong thành phố, nhưng không nơi nào có các nhãn hiệu lớn. Hệ thống giao thông công cộng kém phát triển với xe tư nhân là chủ yếu. Khu vực trung tâm yên ắng sau 9 giờ tối, mặc dù một số nhà hàng vẫn mở cửa 24 giờ. Người dân địa phương phải lái xe đường dài đến Sarawak và Sabah ở Malaysia vào cuối tuần để giải trí, mua sắm.

Nhưng du lịch sinh thái ở Brunei  rất có tiềm năng với hơn 2/3 diện tích đất đai, khoảng 5.765km2, gấp 8 lần diện tích Singapore, được bao phủ trong rừng nhiệt đới nguyên sinh, nơi sinh sống của linh trưởng, tê tê và 622 loài chim. Ở ngoài khơi, thợ lặn có thể khám phá trên 60 địa điểm và khoảng 30 con tàu đắm. Tiến sĩ Mario Hardy, giám đốc của Hiệp hội Thương mại phi lợi nhuận Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương, nhận định Brunei là “công viên tự nhiên tuyệt đẹp, là viên ngọc nhỏ chưa nhiều người phát hiện ra”.

Báo cáo về khả năng cạnh tranh du lịch và lữ hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới được công bố hồi tháng 4 đã xếp Brunei vào danh sách 10 điểm du lịch phát triển nhanh nhất từ năm 2016 đến năm 2026. Ông Zamree Junaidi, giám đốc bộ phận phát triển du lịch của Bộ Tài nguyên và Du lịch, nói với The Straits Times rằng năm ngoái, du lịch đã mang lại 178,6 triệu dollar Brunei cho đất nước có khoảng nửa triệu người. Lượng khách du lịch đã tăng cao trong thập kỷ qua và bây giờ dao động từ 157.000 người - 242.000 người/năm. Đến năm 2020, chính phủ muốn tăng lượng du khách lên 451.000 người.

Hiện phần lớn du khách đến Brunei là từ các quốc gia ASEAN và chính phủ đang hy vọng đón thêm nhiều khách du lịch từ châu Âu và châu Á. Bà Justine Koh, giám đốc truyền thông tiếp thị của hãng du lịch Singapore Chan Brothers, cho biết Brunei không phải là một điểm đến của các hoạt động náo nhiệt đối với du khách thông thường mà là một quốc gia yên bình và an toàn với tốc độ phát triển tương đối chậm. Các dịch vụ của Brunei không rẻ so với các gói du lịch đến những điểm đến tương tự ở Malaysia và Indonesia lân cận. Đồng tiền của Brunei được gắn với đồng dollar Singapore, làm cho nó mạnh nhất ở Đông Nam Á.

Để giữ chân du khách dịp những ngày nghỉ cuối năm, chính phủ đang triển khai lễ hội lớn trong tháng 12, trong đó có bao gồm quảng bá, nếm thử các món ăn, triển lãm xe hơi và các hoạt động nhấn mạnh những nét độc đáo riêng của vương quốc. Nổi bật là công trình xây dựng cây cầu dài 30km nối thủ đô với vùng rừng nhiệt đới, vốn đang chỉ có thể qua lại bằng thuyền. Tận dụng thế mạnh để phát triển, Brunei - vương quốc nhỏ bé giàu năng lượng ở phía Bắc đảo Borneo, đang chuyển mình.

Tin cùng chuyên mục