Tại nhiều nước trên thế giới, việc áp dụng chương trình “Gap year” đã được áp dụng từ lâu. Gap year được hiểu nôm na là một năm mà học sinh - sinh viên rời khỏi ghế nhà trường để thâm nhập đời sống xã hội. Trong khoảng thời gian này, các em có thể đi du lịch hoặc tham gia các dự án cộng đồng tại một quốc gia khác.
Chẳng hạn như tại Australia và New Zealand, sinh viên luôn được dành 1 năm để chu du đến các vùng đất mới, khám phá một nền văn hóa mới, hoặc học một ngôn ngữ mới. Trường đại học lừng danh Harvard của Mỹ cũng đã đưa Gap year vào trong chương trình đào tạo của mình.
Thời gian trải nghiệm mang lại rất nhiều lợi ích cho các bạn trẻ. Lợi ích về việc phát triển các kỹ năng mềm là điều có thể nhìn thấy trước tiên khi các em phải tự mình xoay xở ở một vùng đất mới, từ đó tăng được khả năng giao tiếp, khả năng sử dụng tài chính của mình sao cho phù hợp nhất. Một quãng thời gian sống ở một nền văn hóa khác cũng làm cho các em hiểu hơn về sự đa dạng văn hóa, và từ đó giúp các em có cái nhìn khoan dung hơn về văn hóa, tránh thái độ “vị chủng”, tức thái độ xem nền văn hóa của mình là cao vượt hơn những nền văn hóa khác. Thời gian tạm ngưng việc học để trải nghiệm cũng tác động tích cực đến thành tích học tập của học sinh - sinh viên khi các em trở lại với trường học.
Ở Việt Nam, học sinh - sinh viên hình như không có được cơ hội thực hiện việc trải nghiệm. Các em học sinh trung học phổ thông gần như phải học suốt năm, vì mùa hè các em vẫn phải học thêm để có thể theo kịp chương trình học, để có kết quả tốt trong các kỳ thi, nên gần như không có quãng thời gian nghỉ để trải nghiệm.
Đối với sinh viên, đến nay gần như chưa có trường đại học nào tích hợp thời gian ngưng học để trải nghiệm cho sinh viên. Tệ hơn nữa, hiện cũng có nhiều trường đại học chiếm luôn thời gian nghỉ hè ít ỏi của sinh viên khi thiết kế chương trình học theo 3 học kỳ, tức là sinh viên phải học quanh năm suốt tháng mà không có cơ hội để trải nghiệm, để tiêu hóa những gì đã học.
Chúng ta thường hay phàn nàn rằng học sinh - sinh viên của chúng ta yếu kém về kỹ năng mềm. Điều này có thể là đúng, nhưng nguyên nhân không phải do các em, mà do chương trình đào tạo của chúng ta không tạo cơ hội cho các em trau dồi các kỹ năng mềm, các kỹ năng sinh tồn. Cần lắm một khoảng thời gian trải nghiệm cho học sinh - sinh viên, ít nhất là mùa hè!