Các bộ trưởng giải trình với Quốc hội - Không quá lo ngại nợ công

Mong các địa phương chia sẻ khó khăn
Các bộ trưởng giải trình với Quốc hội - Không quá lo ngại nợ công

Tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012, sáng qua 28-10, bốn bộ trưởng đã đăng đàn, giải trình thêm nhiều vấn đề trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Minh Điền

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Minh Điền

Mong các địa phương chia sẻ khó khăn

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến 31-12-2010, nợ công của Việt Nam bằng khoảng 57,3% GDP, ước tính năm 2011 là 54,6% và 2012 là 58%. Đây là tính trên kịch bản tăng trưởng GDP 6%, còn 6,5% thì tỷ lệ này sẽ thấp hơn đáng kể.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ phân tích, 75% nợ công của chúng ta là ODA. Trong cơ cấu vay ODA thì vay thương mại chỉ 7%, còn lại đều có thời gian cho vay dài, lãi suất rất ưu đãi. WB cho chúng ta vay 40 năm, ân hạn 10 năm với lãi suất 0,75%/năm. Vay ADB thì thời hạn 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất 1%/năm. Nhật Bản cho vay cũng 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất chủ yếu cũng là 1%, một số khoản vay có lãi suất 2%/năm. Đây là điểm khác biệt so với nợ công ở các nước phát triển mà tỷ lệ vay thương mại rất lớn. Cách tính nợ công của nước ta hiện nay có khác so với nhiều nước và nếu tính theo cách như của họ thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam sẽ thấp xuống. Về cơ cấu nợ, nợ nước ngoài đang giảm, nợ trong nước tăng lên, đó là xu hướng tốt. Tuy nhiên, Chính phủ không chủ quan với vấn đề này.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Bộ Tài chính đã xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến 2020, đang trình Chính phủ phê duyệt. Khoản chi trả nợ hiện mới chiếm 14-16% tổng ngân sách, trong khi theo thông lệ quốc tế, ngưỡng an toàn không quá 30%.

Tương tự, cách tính bội chi hiện nay cũng có sự khác biệt so với thông lệ: chưa bao gồm trái phiếu Chính phủ nhưng lại tính cả chi trả nợ gốc.

Theo Bộ trưởng Tài chính, nếu tính theo thông lệ thì bội chi của ta năm 2011 chỉ ở 4,1%, nằm trong ngưỡng an toàn. “Chúng ta không lạc quan nhưng cũng không nên quá lo lắng”, ông Vương Đình Huệ khẳng định.

Phát biểu trước Quốc hội về tình hình cắt giảm đầu tư công, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các bộ ngành địa phương cơ bản đã thực hiện nghiêm việc cắt giảm đầu tư công.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ cái khó của một số địa phương về việc phải dừng nhiều dự án đã giao kế hoạch từ cuối năm 2010, song nhấn mạnh đây là việc làm cần thiết để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Giải trình thêm về cơ chế cắt giảm đầu tư công, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: Cắt giảm đầu tư công không phải là thu hồi vốn đã bố trí năm 2011 của các bộ ngành và địa phương về trung ương và thực tế là chưa cắt một đồng nào đã bố trí. Nhưng sẽ không cho kéo dài việc thực hiện dự án của năm 2010, không cho ứng trước vốn của năm 2012 và không cho phép khởi công mới các công trình để tập trung vốn cho các công trình có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong năm nay. Đến hết tháng 9 đã cắt giảm, điều chuyển 81.500 tỷ đồng và cắt hẳn 10% tín dụng đầu tư, không phát hành nữa. Do làm mạnh việc cắt giảm đầu tư công nên trong năm 2011 đầu tư xã hội chỉ đạt 34% GDP so với 42% của năm 2010 và 2009.

“Thanh minh” cho nhiều dự án giao thông bị dở dang, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: ngành giao thông vận tải thường xuyên thiếu vốn, phải ứng vốn của năm sau để hoàn thành công trình, nay không cho ứng trước vốn nên nhiều công trình không thể hoàn thiện được.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Minh Điền

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Minh Điền

Cần tăng cường kỷ luật ngân sách

Chiều 28-10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2012.

Thảo luận về vấn đề này, đa số các đại biểu cho rằng năm 2011 trong bối cảnh khó khăn, công tác thu - chi ngân sách năm 2011 khá tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần phải nghiêm túc đánh giá như dự toán chưa chính xác, hiệu lực điều hành của Chính phủ chưa cao thể hiện trong việc chưa nghiêm trong cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát.

Nhiều ĐB chung quan điểm cắt giảm đầu tư công là cần thiết nhưng phải rà soát kỹ càng, thận trọng để cắt đúng và trúng, chưa khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho thấy, việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới chưa được thực hiện nghiêm túc.

Các dự án cắt giảm chủ yếu là các dự án chuẩn bị đầu tư hoặc mới khởi công; các dự án chưa thực sự cấp bách hoặc hiệu quả kinh tế thấp chưa được cắt giảm nhiều, chứng tỏ việc chấp hành Nghị quyết 11 của Chính phủ chưa nghiêm.

Từ thực tế này, ĐB Danh Út (Kiên Giang) và nhiều ĐB khác cho rằng, cần nâng cao hiệu lực điều hành của Chính phủ, tăng cường kỷ luật ngân sách. “Cần thu hồi toàn bộ vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ chi không đúng mục đích để chi cho an sinh xã hội”, ĐB Danh Út đề nghị.

Theo ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), năm 2011, chi đầu tư phát triển vẫn vượt dự toán và tăng 15,1% (23.000 tỷ đồng) là mức tăng khá cao, nếu đặt trong bối cảnh đang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công thì việc tăng chi nói trên so với dự toán là chưa hợp lý. Đề nghị Chính phủ giải trình rõ về nguyên nhân nguồn tăng chi, thẩm quyền quyết định tăng chi đầu tư phát triển vượt so với dự toán.

Còn theo ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), năm 2011, hầu hết các địa phương thu vượt dự toán, cho thấy quá trình giao ngân sách dự báo không chính xác, hay tại Chính phủ không kiên quyết trong giao nhiệm vụ? Việc này cần đánh giá lại để tăng cường kỷ luật ngân sách.

ĐB Tâm cũng cho rằng, cần làm tốt công tác hậu kiểm đối với công tác thu thuế, tránh thất thu. Điển hình nhất là tình trạng chuyển giá, kê khai thu nhập không đúng để trốn thuế hiện nay đang diễn ra khá phổ biến.

Hầu hết các đại biểu thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc phân bổ ngân sách TƯ năm 2012 với quan điểm tập trung, chống dàn trải, theo thứ tự ưu tiên: ưu tiên chi đầu tư cho con người, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội; quan tâm đến các tỉnh nghèo, khó khăn có nguồn thu ngân sách thấp ở 3 vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và 62 huyện nghèo; bố trí vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên cho các dự án công trình hoàn thành năm 2012, các dự án, công trình giao thông, thủy lợi cấp bách, hạn chế tối đa các công trình mới; quan tâm đầu tư cho các vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn.

  • Cán bộ phải gương mẫu thực hiện Luật Giao thông

Nhóm vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông cũng được Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng giải trình thêm với Quốc hội. Nêu khái quát về các nhóm giải pháp cơ bản, lâu dài và trong ngắn hạn, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Tất cả các giải pháp như đổi giờ làm việc hay sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế dần phương tiện cá nhân, đều không phải sáng kiến của Bộ GT-VT mà đã có trong các nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này, nay chúng ta tiếp tục làm quyết liệt mà thôi. Những giải pháp ấy có thể ảnh hưởng đến một bộ phận người dân, chúng tôi mong được cử tri chia sẻ và cảm thông, để cùng đạt được mục tiêu lớn hơn vì lợi ích của toàn xã hội”. Các bộ ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ trong ngành mình, địa phương mình vi phạm luật giao thông.

  • Nghiên cứu cải cách lương

Liên quan đến những đề nghị tăng nguồn lực cán bộ công chức, cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở cũng như cải thiện lương, phụ cấp cho đội ngũ này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu. Tuy nhiên, vấn đề cần được tính toán tổng thể để đảm bảo cân đối vĩ mô.

Đội ngũ cán bộ công chức ở trung ương và cấp tỉnh, huyện hiện nay đã tăng 13,7% so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII, còn đội ngũ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, ấp (kể cả bán chuyên trách, các địa phương cũng đã có sự vận dụng) khoảng 700.000 người.

Trước mắt, Bộ Nội vụ sẽ tập trung đưa ra đề xuất về lương tối thiểu, từ đó tiếp tục tính toán thang bảng lương cụ thể cũng như chế độ phụ cấp. Chế độ phụ cấp sẽ được tính toán để đưa vào lương mới.

Anh Thư - Phan Thảo


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:
Năm 2012, kiềm chế lạm phát dưới 10% là hoàn toàn khả thi

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội ngày 28-10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh  khẳng định, mục tiêu quan trọng hàng đầu của Chính phủ trong năm 2012 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.

- PV: Mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 10% trong năm 2012, liệu có khả thi khi trong những năm qua lạm phát của Việt Nam thường là 2 con số và Chính phủ không ít lần phải điều chỉnh chỉ tiêu này, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng VŨ VĂN NINH: Kiềm chế lạm phát là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, bởi trong những năm tới chúng ta phải ưu tiên ổn định kinh tế để đạt được tăng trưởng cao và bền vững cho giai đoạn sau. Nếu chúng ta không ổn định được kinh tế vĩ mô thì tăng trưởng không có giá trị và đời sống của người dân không được cải thiện như mục tiêu mà Nghị quyết đại hội Đảng XI đề ra. Chỉ tiêu tăng trưởng chúng ta chưa đưa lên cao, chỉ 6 - 6,5% là nhằm tập trung kiềm chế lạm phát. Trong những tháng qua, lạm phát đã có chiều hướng giảm tốc nhờ những biện pháp mạnh của Chính phủ và có xu hướng tiếp tục giảm trong năm tới. Với quyết tâm điều hành của Chính phủ, việc lựa chọn các cân đối vĩ mô và xu thế giá cả trong nước và thế giới, sang năm lạm phát dưới 10% là khả thi.

- Chính phủ dành ưu tiên cao cho kiềm chế lạm phát nhưng liệu có gây khó khăn cho doanh nghiệp khi chính sách tiền tệ sẽ phải tiếp tục thắt chặt?

Bài toán này phải giải quyết hài hòa giữa các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tốc độ tăng trưởng. Chính phủ không thể hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát mà phải duy trì tăng trưởng một cách hợp lý để giữ ổn định vĩ mô, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, thậm chí cả ổn định chính trị. Để đạt được mục tiêu đó phải có các giải pháp tổng thể và đồng bộ. Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa phải tiếp tục điều hành chặt chẽ và thắt chặt. Chúng ta đã thống nhất kiểm soát tiền tệ, tăng trưởng xuất nhập khẩu, kiểm soát tổng cầu tổng cung sao cho cân đối...

- Những mặt hàng có tính chất then chốt để kiềm chế lạm phát như xăng dầu phụ thuộc nhiều vào giá cả thế giới và dần theo hướng thị trường. Trong khi đó, EVN đã nhiều lần kiến nghị tăng giá điện, Chính phủ sẽ giải bài toán này như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

Chính phủ đã tính toán tới việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường gắn với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Thực tế mặt hàng xăng dầu của chúng ta hiện nay đã cơ bản theo cơ chế thị trường. Thuế nhập khẩu xăng dầu Nhà nước vẫn chưa thu để hỗ trợ doanh nghiệp, đến lúc nào đó có điều kiện chúng ta sẽ phải tái áp thuế nhưng xin khẳng định lại là xăng dầu nằm trong phạm vi chủ động của Chính phủ. Riêng mặt hàng điện, chúng ta cần có lộ trình chứ không thể ngay một lúc theo giá cả thị trường được.

- Nợ công đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Chúng ta đang điều chỉnh tốc độ tăng trưởng xuống thấp, vậy khi đó liệu tỷ lệ nợ công sẽ tăng lên?

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta còn phụ thuộc vào đầu tư, nên nếu tốc độ tăng trưởng chậm lại có thể khiến tỷ lệ nợ công tăng cao. Chỉ tiêu nợ công Chính phủ đưa ra dựa trên những dự báo kém lạc quan nhất, tức là GDP chỉ tăng trưởng 6%, để chúng ta quyết liệt trong điều hành. Tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng của chúng ta có thể sẽ khả quan hơn và nợ công sẽ giảm xuống.

Thành Nam (ghi)

Tin cùng chuyên mục