Từ năm 2001 thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC), một số cơ quan đã có nhiều thay đổi nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân khi đến giao dịch, làm việc như hải quan, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công an làm hộ chiếu đã cải tiến nhiều công đoạn được người dân rất hoan nghênh…
Thế nhưng, trong lĩnh vực nhà đất vẫn còn những bất cập và trì trệ về thủ tục hành chính. Luật Đất đai từ khi ra đời đã có một lần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Trước kia, khi người dân muốn hợp thức hóa nhà đất, cơ quan cấp giấy liên hệ với hộ liền kề để lập biên bản xác nhận ranh đất nhằm tránh tình trạng tranh chấp ranh. Sau này thủ tục này đã bị bãi bỏ, và người dân ranh ở đâu thì bộ phận đo đạc sẽ vẽ đó, đến khi cấp giấy chứng nhận nhà ở và đất ở (tạm gọi là sổ hồng) mới phát hiện bị chồng ranh và hậu quả là tranh chấp thưa kiện kéo dài gây tốn kém, phiền toái cho người dân chỉ vì thủ tục còn khiếm khuyết.
Trường hợp khi người dân chỉ sai ranh thì cơ quan cấp giấy lại không cho người dân được điều chỉnh lại diện tích đất mà mình được quyền sử dụng, muốn được điều chỉnh người dân phải chạy chọt mới được điều chỉnh sổ hồng. Ngoài ra, có trường hợp trên cùng một con đường thẳng nhưng hai nhà gần nhau lại có cách tính thuế quyền sử dụng đất khác nhau và lộ giới đường cũng khác nhau, làm cho người dân thắc mắc hoài nghi tính nhất quán của pháp luật nhưng không biết khiếu kiện ai? Vì thế, Nhà nước cần có quy định chặt chẽ sao cho thuận lợi cho cơ quan cấp giấy nhưng tránh được sai sót kể trên. Trường hợp nhân viên nào cố ý làm sai, gây tốn kém chi phí chỉnh sửa sổ hồng của người dân, thì phải bồi thường chứ không như hiện nay người dân lãnh đủ hệ quả do bất cập trong khâu đo vẽ để lại.
Vừa qua, trong báo cáo trước Quốc hội, ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, cho biết hiện nay bộ này đang dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Đất đai, trong đó lần đầu tiên một dự luật sẽ dành trọn một chương quy định các thủ tục hành chính trong đất đai. Đây có lẽ là một cải cách thủ tục hành chính mà người dân mong đợi bấy lâu nay.
Để thực hiện được chủ trương cải cách thủ tục hành chính đòi hỏi từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ phải được đào tạo chuyên môn sâu, cần quy định rõ ràng trách nhiệm, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, cần thiết thì sa thải khỏi cơ quan. Đồng thời, phải công khai thủ tục tiếp nhận và trả kết quả trên mạng internet để người dân dễ cập nhật. Cải cách thủ tục hành chính không tốn kém nhiều tiền bạc đầu tư nhưng cần có sự góp sức của nhiều ban, ngành và có thể cả người dân, để sao cho nền hành chính công của chúng ta phục vụ tốt người dân với những cán bộ vừa hồng vừa chuyên như lời Bác Hồ đã răn dạy.
LÊ TĂNG ĐỊNH