Các tác phẩm báo chí văn nghệ
(SGGP).- Ngày 11-9, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2013 nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động báo chí văn nghệ.
Hoạt động báo chí văn nghệ đã bám sát hiện thực cuộc sống, có nhiều đổi mới và đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong sự phát triển đa dạng đó, báo chí cũng không tránh khỏi bộc lộ những vấn đề thiếu sót và chậm được khắc phục như đưa tin thất thiệt, xúc phạm nhân phẩm uy tín của tổ chức, cá nhân hay đăng tải các thông tin nhạy cảm, không phù hợp với lợi ích của đất nước. Vẫn còn một số ít tờ báo có lúc sa đà vào các thông tin tiêu cực xã hội, phản ánh ý kiến bạn đọc khi chưa kiểm chứng thông tin, gây bức xúc cho đối tượng bị phản ánh. Cái đẹp, cái tốt của đời sống xã hội chưa là dòng chủ đạo trong các tác phẩm văn nghệ. Thời gian gần đây, các chương trình văn hóa, văn nghệ đã được nhiều đài phát thanh, truyền hình quan tâm xây dựng và dành nhiều thời lượng để phát sóng. Tuy vậy, trong một số chương trình vẫn còn có nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc…
Khó nhất đối với báo chí chuyên ngành văn hóa, văn nghệ và hầu hết báo in hiện nay, theo ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, là đều gặp khó khăn trong việc phát hành, quảng cáo… Nhiều báo giảm kỳ, gộp số. Có báo giảm số lượng phát hành đến vài vạn. Đáng chú ý, có báo địa phương phát hành chỉ còn có 1.500 tờ.
Các phát biểu tại hội nghị tập trung vào giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động báo chí văn nghệ trong thời gian tới; đóng góp ý kiến về hệ thống cơ chế, chính sách, các văn bản, quy phạm pháp luật liên quan nhằm tạo điều kiện để báo chí văn nghệ phát triển trong tình hình mới.
TRẦN KHA