Trên Báo SGGP số ra hôm thứ năm (25-11) có 2 bài viết nhỏ nhưng đọc xong cứ làm cho tôi phải suy nghĩ. Bài thứ nhất đăng ở trang 3 với nhan đề “Anh là ai?” nói về một thanh niên với ý nguyện được đóng góp 3 triệu đồng cho bà con vùng lũ nhân đêm nhạc gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung. Ngay lúc bày tỏ nguyện vọng thì anh chỉ còn 2,6 triệu đồng nhưng hôm sau anh đã đến tòa soạn để góp tiếp phần còn lại cho đủ 3 triệu đồng mà không muốn nêu danh tính. Gần như ngược lại, bài thứ hai đăng trên trang 4 thì đề cập đến những đơn vị, cá nhân lợi dụng các đêm hội từ thiện để “ủng hộ ảo” nhằm thông qua đó mà đánh bóng tên tuổi của mình. Một trò lố bịch thật sự!
Tin rằng không chỉ riêng tôi mà bà con vừa gánh chịu cơn lũ dữ vừa qua ở miền Trung cũng sẽ thấy thật ấm lòng trước sự thơm thảo của chàng thanh niên kia. Số tiền đóng góp của anh có thể không được lớn lắm. Tuy nhiên, nó đã có giá trị gấp vạn lần khi so với hàng chục tỷ đồng ảo của những đơn vị hay cá nhân thiếu cái “tâm”. Đối với những người này, hai chữ từ thiện đã gắn chặt với sự tính toán và vì lợi ích cá nhân, có vẻ họ sẽ phớt lờ hết thảy. Trước những khó khăn mất mát của đồng bào, đã không san sẻ thì chớ. Đằng này, họ thản nhiên lợi dụng điều đó để khoa trương bản thân mình. Thật có phải nhẫn tâm lắm không khi đứng trước một người đang đói, họ làm ra vẻ hào phóng bảo sẽ cho người ta một chén cơm để rồi sau đó quay lưng và bắt người ta phải đợi hoài mà không thấy dù chỉ là một hạt gạo?
Đã đến lúc các chương trình xã hội từ thiện, đặc biệt là khi có lên sóng phát thanh hay truyền hình trực tiếp, cần được tổ chức một cách chặt chẽ và nghiêm túc hơn. Cần làm thế nào để chương trình mang lại ý nghĩa thật sự. Ở đó, chỉ có những người với cái tâm và tấm lòng hướng về đồng bào của mình, còn đối với những kẻ cơ hội, hãy loại khỏi các chương trình mang tính nhân văn, nhân ái. Cần thiết, có thể bêu tên trên các phương tiện truyền thông đại chúng xem như một sự cảnh cáo.
T.Phúc