Cấm hay không cấm học sinh sử dụng điện thoại di động: Giáo dục mới là quan trọng

Đọc bài “Học sinh sử dụng ĐTDĐ: Cấm hay không cấm?” (Sài Gòn Giải Phóng, 19-9-2008) tôi thật sự chia sẻ với nỗi lo của mấy vị hiệu trưởng cũng như các bậc phụ huynh. Bản thân tôi cũng đang có một cháu nhỏ học lớp 11 Trường THPT Trung học Thực hành (quận 5). Ngay từ giữa năm lớp 10 cháu đã đòi tôi mua cho ĐTDĐ bởi theo lời cháu nói: “Bạn bè lớp con không ai là không có, xài ĐTDĐ bây giờ là chuyện hết sức bình thường”.

Đi họp phụ huynh học sinh đầu năm cho con, tôi biết được nội quy của nhà trường là không hề cấm học sinh dùng ĐTDĐ, nhưng với điều kiện trong giờ học phải tắt máy, đến giờ ra chơi hoặc ra về mới được phép sử dụng. Người lớn chúng ta cấm các cháu xài ĐTDĐ bởi lo sợ con em mình sớm dùng ĐTDĐ vào những mục đích không lành mạnh như: quay phim và lưu giữ cảnh sex, lên mạng truy cập vào những trang web đen, bộ nhớ ĐTDĐ chứa toàn những cảnh nóng của người lớn…

Nhưng cho dù chúng ta có cấm thì không bằng ĐTDĐ, các cháu vẫn có thể tìm đến những thứ đó bằng Internet, đĩa CD, DVD, thậm chí gần đây là một số truyện tranh gợi dục chuyền tay nhau trong học đường. Chính vì vậy việc cấm hay không cấm các cháu sử dụng ĐTDĐ xem ra không còn quan trọng nữa.

Vấn đề được đặt ra là chúng ta phải làm thế nào để các cháu sử dụng ĐTDĐ như một phương tiện liên lạc và trao đổi thông tin lành mạnh và cần thiết. Để làm được điều đó, nhà trường và các thầy cô giáo nên có thêm những giờ sinh hoạt ngoại khóa hướng dẫn cho học sinh biết cách sử dụng ĐTDĐ sao cho hợp lý và lành mạnh. Đồng thời cũng cần giáo dục các cháu tránh xa những hình ảnh, hành vi xấu bằng cách giới thiệu những phương tiện thông tin giải trí lành mạnh khác (sách báo tham khảo, ti vi, radio, máy vi tính…); nêu những tấm gương sáng bằng tuổi để các cháu học tập và noi theo (gương vượt khó học giỏi, người tốt việc tốt); thường xuyên tổ chức những sinh hoạt đội nhóm và vui chơi bổ ích...

Bên cạnh đó, về phía gia đình, cho dù có điều kiện kinh tế rất khá giả thì các bậc phụ huynh cũng không nên mua cho con em mình những loại ĐTDĐ đắt tiền và có nhiều chức năng hiện đại. Cần phải giảng giải cho các cháu hiểu rằng dùng ĐTDĐ mục đích chính chỉ là liên lạc khi cần thiết. Hơn nữa các cháu lại chưa làm ra tiền nên việc sử dụng những chiếc ĐTDĐ bình thường, rẻ tiền, không có quá nhiều chức năng sẽ tốt cho các cháu hơn (như tránh bị kẻ xấu lấy cắp, tránh bị phân tâm mà tập trung tốt hơn vào việc học…).

Tóm lại bản chất của vấn đề học sinh sử dụng ĐTDĐ là việc giáo dục thế nào để các cháu hiểu được giá trị đích thực của ĐTDĐ và sử dụng ĐTDĐ sao cho hợp lý và lành mạnh mới là việc người lớn chúng ta nên làm. Còn chuyện có cấm hay không cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ trong mỗi trường chỉ là về mặt hình thức mà thôi. Càng cấm mà các em lại càng lén lút sử dụng thì hậu quả sẽ càng tệ hơn mà thôi.

NGUYỄN THỊ THU
(Q.Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục