
Đọc bài viết “Chưa có giải pháp tổng thể cho VSATTP” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 21-4-2009, người dân chúng tôi cảm thấy lo sợ, bất an cho sức khỏe của chính mình. Làm sao người dân có thể yên tâm với thực phẩm, rau quả có mặt trong bữa ăn hàng ngày có tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật và thực phẩm tươi sống có mức độ nhiễm vi sinh gây bệnh cao hơn. Kết quả giám sát mà ngành chức năng đưa ra thật đáng lo ngại: mới kiểm soát được 20%-30% lượng rau xanh đưa ra thị trường; kiểm tra 76 mẫu rau, củ thì có đến 40 mẫu (chiếm 52,6%) bị nhiễm E.Coli vượt giới hạn cho phép, 7,9% mẫu nhiễm Samonella…
Riêng ở TPHCM, kiểm tra 69 mẫu thịt heo, thịt gà có tới hơn 1/2 mẫu nhiễm S.Aureus vượt giới hạn cho phép. Đặc biệt trong những mẫu rau, củ lấy từ chợ đầu mối, vùng sản xuất và ngay ở siêu thị - nơi được coi là an toàn, cũng phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu vượt giới hạn cho phép. Thậm chí có mẫu rau, củ, quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật độc hại cấm sử dụng, nguy cơ gây ung thư cao…

Trái cây lề đường không rõ nguồn gốc, không đảm bảo VSATTP. Ảnh: N.H
Phải chăng, chuyện bữa ăn hàng ngày của người dân đang bị các ngành chức năng lơ là, xem nhẹ và thả nổi? Rõ ràng thực phẩm thiếu an toàn, nhiễm các loại hóa chất, chất phụ gia độc hại, ô nhiễm từ dụng cụ đóng gói... chưa thể kiểm soát được. Với nguồn thực phẩm, rau quả bày bán tràn lan trên thị trường không đảm bảo VSATTP, người tiêu dùng biết chọn lựa sản phẩm nào đạt chất lượng, chỉ số an toàn?
Ngay cả cơ quan chức năng cũng không quản lý, giám sát được tận gốc việc sản xuất, phân phối rau sạch, thực phẩm tươi sống thì với con mắt thường, làm sao người tiêu dùng chúng tôi có thể lựa chọn được sản phẩm đạt chất lượng - không bị ô nhiễm, nhiễm độc? Con số mỗi năm cả nước xảy ra hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người chết, là bề nổi của vấn đề nóng về VSATTP thời nay. Có thể nói “kẻ thù giấu mặt” này đặc biệt nghiêm trọng. Trước thực trạng bệnh tật ngày càng gia tăng, nhất là bệnh ung thư, ai cũng cảm thấy không yên tâm khi miếng ăn, nước uống luôn tiềm ẩn nguy cơ bị ô nhiễm, ngộ độc ở các mức độ khác nhau.
Qua báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP cho thấy chúng ta vẫn còn thiếu chiến lược, giải pháp tổng thể, căn cơ để giám sát, kiểm soát tình hình VSATTP đang diễn biến phức tạp, nguy cơ đe dọa tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng vẫn còn cao. Để trám những lỗ hổng quản lý lỏng lẻo về VSATTP, chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị , cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, rau xanh…, đã đến lúc phải đầu tư cho chiến lược thực hiện công tác VSATTP; cần thiết xây dựng Luật An toàn thực phẩm. Nếu không ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về VSATTP thì bữa ăn hàng ngày của người dân vẫn tiếp tục bị đe dọa bởi hóa chất, ô nhiễm, độc tố…
Nguyễn Hiền (TPHCM)