Cần chính sách hỗ trợ di dời trang trại chăn nuôi

Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi cả nước với đàn heo 2,6 triệu con và gà 26 triệu con với nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không đăng ký giấy phép, chưa có giải pháp xử lý nước, phân thải gây ô nhiễm môi trường. Để thực thi Luật Chăn nuôi (đã có hiệu lực), UBND tỉnh quyết định buộc hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc đóng cửa trước ngày 1-1-2025.

Theo ghi nhận, huyện Xuân Lộc có hơn 200 trang trại chăn nuôi (chủ yếu nuôi heo), đa số được cấp phép xây dựng theo hình thức chuồng trại rồi cho các công ty nước ngoài thuê lại để chăn nuôi. Để xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn quy mô hàng ngàn con heo trở lên phải đầu tư kinh phí rất lớn nên các hộ chăn nuôi không dám đầu tư. Hiện mật độ trang trại chăn nuôi trên địa bàn đã vượt ngưỡng cho phép và việc xả nước, phân đang gây ô nhiễm môi trường nên UBND huyện Xuân Lộc đã báo cáo với huyện ủy xin chủ trương dừng thu hút các dự án đầu tư chăn nuôi trên địa bàn từ nay cho đến năm 2030.

Tương tự, huyện Thống Nhất có 430 trang trại, với tổng số đàn gia súc, gia cầm hơn 1,7 triệu con. Từ đầu năm đến nay, huyện đã kiểm tra 361 trang trại, phát hiện 99 trang trại vi phạm về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở vi phạm hơn 2 tỷ đồng. Huyện Thống Nhất cũng đang thực hiện di dời các trang trại chăn nuôi theo chủ trương của tỉnh. Theo các hộ chăn nuôi, họ đồng tình với chủ trương di dời, tuy nhiên việc di dời quá gấp gáp (trong vòng hơn 2 năm) trong bối cảnh ngành chăn nuôi liên tục thua lỗ khiến nhiều hộ không có kinh phí di dời, nguy cơ phải bỏ nghề.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết, các công ty chăn nuôi lớn chiếm khoảng 60% nguồn cung sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Để đảm bảo việc di dời trang trại nhưng không làm đứt gãy chuỗi cung cấp thực phẩm cho thị trường TPHCM và các tỉnh thành, hiệp hội kiến nghị Bộ NN- PTNT và tỉnh Đồng Nai có lộ trình di dời kéo dài ít nhất 4-5 năm để cơ sở chăn nuôi có thời gian chuẩn bị, tránh thiệt hại. Riêng đối với những trang trại nằm trong quy hoạch chăn nuôi, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và giấy phép còn hạn được phép tiếp tục hoạt động đến khi hết hạn.

Về lâu dài, tỉnh Đồng Nai đang vận động các công ty, hộ chăn nuôi gia đình đầu tư thêm công nghệ, hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Chính phủ, bộ ngành và địa phương xem xét có chính sách hỗ trợ các cơ sở về chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí di dời để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hướng tới phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

Tin cùng chuyên mục