Cách đây không lâu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng mức lương bình quân 7,3 triệu đồng/tháng đối với cán bộ công nhân viên của ngành là thấp và không đủ sống ở đô thị. Thông tin này gây “sốc” và khiến dư luận đặt vấn đề: Tại sao ngành điện kêu lỗ nặng nhưng thu nhập bình quân lại cao ngất như thế?
Trả lời thắc mắc của dư luận và báo giới tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, quan điểm trả lương đối với doanh nghiệp (DN) nhà nước phải theo cơ chế hiện hành, phù hợp với hạch toán.
Về nguyên tắc, DN không có lãi mà trả lương cao là khó chấp nhận. Bộ LĐTB-XH sẽ kiểm tra việc trả lương của EVN có phù hợp với kết quả sản xuất kinh doanh hay không và nếu phát hiện bất hợp lý sẽ kiến nghị việc trả lương của EVN phải theo quy định hiện hành. Thế nhưng, mọi chuyện còn chưa ngã ngũ thì dư luận lại bị “sốc” lần thứ hai vì kết quả kiểm toán mới nhất cho thấy, năm 2010, EVN lỗ nặng hơn với 25.000 tỷ đồng và tính đến hết năm 2011, nợ phải trả của tập đoàn là 240.000 tỷ đồng.
Mặc dù kinh doanh lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng lương của cán bộ trong công ty mẹ EVN lại được trả cao ở mức 13,7 triệu đồng/tháng. So sánh với mức lương bình quân của người lao động ở các DN nhà nước là 3,5 triệu đồng/tháng và đối với tổng công ty hạng đặc biệt, công ty mẹ thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước là 5,9 triệu đồng (năm 2009) cho thấy chuyện trả lương ở EVN là bất thường và khó chấp nhận.
Ai cũng thấy nếu EVN làm ăn hiệu quả, năng suất cao thì việc trả lương, trả thưởng cao là phù hợp với cơ chế chung. Đằng này, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tỷ lệ nghịch với việc trả lương, thu nhập của họ và kết quả kiểm toán cho thấy mức này cao gần gấp đôi so với tuyên bố của Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh.
Vì sao thu nhập bình quân ở cơ quan văn phòng công ty mẹ lại cao gấp gần 2 lần thu nhập bình quân chung của EVN? Theo các chuyên gia tiền lương, việc trả lương kiểu này cho thấy việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị trực thuộc công ty mẹ tập đoàn chưa đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa các đơn vị. Về nguyên tắc, khi hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí lỗ thì DN nhà nước không trả thưởng và áp dụng cơ chế tiền lương lùi về gốc (tức chỉ trả lương cơ bản).
Vậy dựa trên cơ sở nào và lấy nguồn nào để EVN trả lương cho cán bộ, người lao động cao hơn cả những DN nhà nước làm ăn hiệu quả, có lãi? Câu hỏi này dành cho Bộ LĐTB-XH và các cơ quan chức năng trả lời. Một vấn đề khiến dư luận thêm bức xúc là để giảm lỗ, EVN phải chọn giải pháp tăng giá điện thêm 5% (thu được 5.000 tỷ đồng). Như thế, gánh nặng vì lỗ của ngành chia đều trên đôi vai của người tiêu dùng, còn thu nhập của cán bộ EVN vẫn không hề sứt mẻ…
Phước Thanh (TPHCM)
Cứ lỗ là được tăng giá?
Năm nào cũng thế, giá điện bán lẻ ở ta cứ tăng vài phần trăm với lý do: lỗ! Năm nay, dù đã được điều chỉnh tăng giá điện trên 15% vào đầu năm 2011 nhưng EVN lại tiếp tục tăng lên 5% giá bán lẻ vào ngày 20-12-2011. Nguyên nhân tăng giá được EVN đưa ra vẫn là lý do cũ rích: lỗ! Nếu EVN thực sự gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan thì người dân cũng chấp nhận tăng giá, xem như là chia sẻ. Còn hiện tại, cơ cấu giá điện thế nào chưa được Bộ Tài chính bóc tách, giải mã. Người dân cần sự minh bạch. EVN kêu lỗ, nhưng lỗ như thế nào, lỗ do đâu? Nếu nhìn toàn cuộc, thực chất EVN không phải lỗ chỉ mỗi do kinh doanh điện mà còn có cả những lĩnh vực “không chuyên môn” như viễn thông, bất động sản… Trong đó đáng lưu tâm hơn là mặt viễn thông, ai cũng biết nhiều năm qua, lĩnh vực viễn thông của EVN thiếu hiệu quả, sóng yếu, ít người sử dụng… nên chuyện lỗ là tất nhiên. Đáng nói, mặc dù EVN kêu lỗ nặng nhưng mức lương của CBCNV lại cao hơn gấp mấy lần so với mặt bằng chung của xã hội.
Thực tế cho thấy, để có một ngành điện linh hoạt, hiện đại, kinh doanh hiệu quả thì cần lắm những người lãnh đạo tài giỏi, vạch ra hướng đi mới cho ngành điện nước nhà. Đừng trông chờ quá nhiều vào cái ô của nhà nước, sức dân mà phải tự biết vươn lên bằng chính tư duy của mình trong thời buổi kinh tế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt.
Đặng Trung Thành