
Ngày 18-10-2008, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức điều chỉnh tiếp giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá xăng các loại và dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, giá diesel các loại giảm tới 700 đồng/lít.
Với lần giảm giá này, giá xăng không chì RON 95 giảm xuống còn 16.000 đồng/lít, xăng RON 92 còn 15.500 đồng/lít; dầu hỏa còn 16.000 đồng/lít. Trong khi lạm phát đang tăng cao, việc giảm giá xăng dầu trong thời điểm này có ý nghĩa lớn, giúp người dân giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Giá xăng dầu trong nước giảm chưa đáng kể khiến nhiều người tiêu dùng bất bình. Ảnh: SONG PHA
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tỷ lệ giảm giá vừa qua còn chênh lệch quá lớn so với tỷ lệ giảm giá dầu thô của thị trường thế giới. Giá dầu thô trên thế giới tiếp tục giảm hơn 50% (từ 147USD/thùng xuống còn 70-71USD/thùng) trong khi giá xăng dầu trong nước giảm không đáng kể, dù đã giảm nhiều lần trong hơn 1 tháng qua nhưng cộng lại mức giảm chưa đến 20%.
Và việc giảm giá xăng dầu này không xuất phát từ sự “tự nguyện” của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà chỉ có được sau khi báo chí và dư luận lên tiếng. Nhiều chuyên gia tính toán, với mức giá dầu trên thị trường thế giới giảm như hiện nay, giá xăng dầu trong nước lẽ ra chỉ dao động ở mức trên dưới 13.000 đồng/lít.
Được biết, ngày 16-9-2008, lần đầu tiên Chính phủ có chủ trương thả nổi giá xăng dầu bằng Quyết định số 79/2008/QĐ-BTC. Theo đó, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường nhằm đưa giá xăng dầu trong nước theo sát với giá thị trường thế giới. Chủ trương của nhà nước hoàn toàn đúng và phù hợp với nền kinh tế hội nhập toàn cầu.
Thế nhưng một thực tế là đầu mối nhập khẩu xăng dầu chưa phát triển nhiều về số lượng để tạo ra sự cạnh tranh một cách lành mạnh. Do đó, số nhà nhập khẩu kinh doanh xăng dầu hạn hữu như hiện nay đang có dấu hiệu bắt tay nhau, thỏa thuận ngầm để khống chế giá bán ở mức cao hơn giá xăng dầu thế giới. Điều này đã gây thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân và cả nền kinh tế.
Theo chúng tôi, trước mắt, Chính phủ cần có biện pháp buộc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm giá tương ứng với mức giảm của thế giới, chấm dứt việc bắt tay kìm giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Uy Dũng
(Q.Tân Bình, TPHCM)