Cân nhắc khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

Bộ Lao động Thương binh - Xã hội đang tham khảo ý kiến của các ngành chức năng về nội dung dự thảo cụ thể hóa tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động. Theo dự thảo, có 2 phương án được đề xuất: hoặc tăng thêm 5 tuổi đối với cả lao động nam và nữ hoặc chỉ tăng thêm 5 tuổi đối với lao động nữ để bằng tuổi nghỉ hưu của nam.

Có nhiều nguyên nhân dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu nhưng yếu tố cơ bản là nhằm mục đích chống nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong tương lai gần, bởi xu thế hiện nay tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đang tăng, dẫn đến thời gian hưởng lương hưu sẽ kéo dài, mất cân đối nguồn tài chính giữa đóng và thụ hưởng. Là cán bộ quản lý cơ quan thực thi chính sách BHXH gần 20 năm qua, xin đóng góp một số ý kiến sau đây:

Trước hết, phương án tăng 5 năm tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ để bảo đảm bình đẳng giới, tạo cơ hội cho lao động nữ cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Ở đây, cần hết sức thận trọng trước khi quyết định, bởi số lượng lao động nữ thuộc một số ngành chủ lực như giáo dục, y tế, công nhân trực tiếp sản xuất tại các khu công nghiệp (không thuộc ngành nghề hưởng chế độ đặc thù, độc hại, phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên) chiếm đại đa số trong tổng số lao động nữ tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên cả nước.

Vì vậy, khi kéo dài tuổi nghỉ hưu của nhóm đối tượng này, có thể khẳng định mục đích cân đối, bảo toàn quỹ rất cao, song ngược lại, tính ưu việt của một chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước không phát huy hiệu quả xã hội. Ví dụ một giáo viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học độ tuổi 22 phải đứng trên bục giảng 38 năm, hay một bác sĩ ra trường lúc 24 tuổi phải khám, điều trị suốt 36 năm mới đủ tuổi nghỉ hưu, liệu thời gian được hưởng lương hưu còn bao nhiêu vì sức khỏe sẽ bị suy giảm nghiêm trọng theo quá trình công tác?

Vấn đề tiếp theo, tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác (kể cả nam và nữ). Đây là phương án mang tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn xã hội, song cần khảo sát thống kê tổng hợp số lượng đối tượng này chiếm tỷ lệ bao nhiêu so với tổng số người tham gia BHXH, BHYT, từ đó đánh giá mức độ tác động tích cực đến khả năng cân đối quỹ BHXH một cách lâu dài. Trong đó, đáng lưu ý hơn cả là xác định cụ thể nhóm làm công tác quản lý sẽ thuộc phạm vi cấp nào (phòng, ban cấp tỉnh trở lên hay phòng, ban cấp huyện trở lên).

Theo chúng tôi, nên áp dụng cho đội ngũ có trình độ học hàm, học vị từ thạc sĩ chuyên ngành trở lên, thợ lành nghề bậc cao và cán bộ giữ chức vụ trưởng và phó phòng ban, đoàn thể cấp quận, huyện, trở lên (hiện tại có 654 quận - huyện, lực lượng này khá lớn trong biên chế bộ máy), với độ tuổi nghỉ hưu, nam đủ 63 tuổi và nữ đủ 60 tuổi (kéo dài thêm 3 tuổi đối với nam và 5 tuổi đối với nữ).

Từ thực tiễn quản lý chính sách BHXH ở cơ sở, chúng tôi đề nghị Bộ Lao động Thương binh - Xã hội cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu một cách khoa học, hợp lý trước khi trình Chính phủ ban hành. 

NGUYỄN TIẾN ĐẠT
(Giám đốc BHXH huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)

Tin cùng chuyên mục